Nga khẳng định ủng hộ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước

Phát biểu tại diễn đàn SPIEF, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đương đầu với các thách thức và thay đổi mới, và ủng hộ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới.
Nga khẳng định ủng hộ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước ảnh 1Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Diễn đàn SPIEF 2019. (Nguồn: Getty Images)

Nga sẵn sàng đương đầu với các thách thức và thay đổi mới, và ủng hộ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/6 đã đưa ra tuyên bố trên tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) đang diễn ra tại thành phố Saint Petesburg, Liên bang Nga, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Putin nói: "Nga sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức và thay đổi. Chúng tôi mời các nước hợp tác một cách rộng rãi và bình đẳng."

Cũng tại diễn đàn này, nhà lãnh đạo Nga khẳng định các nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt các nước khác là con đường dẫn đến những cuộc chiến thương mại và chiến tranh thực sự.

Ông đồng thời chỉ trích cái gọi là sự cạnh tranh không công bằng và chủ nghĩa bảo hộ. Theo Tổng thống Putin, cách tiếp cận của Mỹ đã thúc đẩy một cuộc chiến bất quy tắc.

[Diễn đàn SPIEF: Phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình được đánh giá cao]

Liên quan đến tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, hiện đang là đối tượng bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump liệt vào danh sách đen và yêu cầu tập đoàn này phải xin giấy phép nếu muốn mua công nghệ từ các công ty Mỹ, Tổng thống Putin cho rằng các động thái này của Washington là nhằm loại tập đoàn Huawei ra khỏi thị trường quốc tế, coi đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến công nghệ mới.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, âm mưu giữ độc quyền làn sóng công nghệ mới và hạn chế sự tiếp cận các sản phẩm của Huawei là khởi nguồn chính cho sự bất ổn toàn cầu. 

Hiện công ty viễn thông MTS của Nga đã ký một thỏa thuận với tập đoàn Huawei về phát triển mạng 5G tại Nga trong năm 2020.

Thỏa thuận trên được ký kết ngày 5/6 bên lề cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin tại Moskva trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tổng thống Putin cũng cho rằng nên đánh giá lại vai trò của đồng USD trong hoạt động thương mại toàn cầu trong bối cảnh đồng tiền này đã trở thành một công cụ để gây sức ép với thế giới và sự tin tưởng vào đồng tiền này đang suy giảm.

Ông nói: "Trong giai đoạn này, các trung tâm kinh tế mới đã nổi lên, vai trò của các đồng tiền trong khu vực gia tăng, cán cân quyền lực và lợi ích đã thay đổi. Những thay đổi sâu sắc này đòi hỏi các thể chế tài chính quốc tế phải thích ứng, vai trò của đồng USD đang được xem xét lại với tư cách là đồng dự trữ toàn cầu. Đồng tiền này hiện đã trở thành một công cụ để nước ban hành nó gây sức ép với phần còn lại của thế giới."

Theo nhà lãnh đạo Nga, cần phải bảo vệ những hàng hóa thiết yếu, trong đó có dược phẩm, trước các cuộc chiến thương mại và các lệnh trừng phạt.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg là sự kiện đặc biệt được tổ chức từ năm 1997 và được Tổng thống Liên bang Nga bảo trợ từ năm 2006 đến nay.

Trong hơn hai thập niên qua, SPIEF đã trở thành một diễn đàn hàng đầu khu vực và thế giới nhằm thảo luận các xu hướng, thách thức và triển vọng phát triển kinh tế không chỉ của riêng nước Nga mà còn của toàn thế giới.

Diễn đàn cũng là điểm đến để cộng đồng doanh nghiệp quốc tế gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Với chủ đề "Thiết lập Chương trình nghị sự phát triển bền vững", Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 23 diễn ra từ ngày 6-8/6 với hơn 170 hoạt động, thu hút sự tham gia của hơn 17.000 đại biểu từ các nước trên thế giới gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, giới doanh nhân, các chuyên gia kinh tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục