Nga không có ý định là bên đầu tiên triển khai tên lửa tâm trung

Theo người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga, Nga có quyền hành động tương xứng trong việc thiết kế, sản xuất và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng không định triển khai vũ khí như vậy.
Nga không có ý định là bên đầu tiên triển khai tên lửa tâm trung ảnh 1Tên lửa Novator 9M729. (Nguồn: defenseone.com)

Nga có quyền hành động tương xứng trong việc thiết kế, sản xuất và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn, nhưng không định triển khai những vũ khí như vậy.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Vladimir Shamanov đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo ngày 11/3 dành cho Tùy viên quân sự các nước được công nhận đăng ký hoạt động ở Moskva.

Ông Shamanov nhấn mạnh: "Trong điều kiện hiện nay, Nga có quyền hành động tương xứng trong việc thiết kế, sản xuất và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Ngày 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ nghĩa vụ của Nga trong Hiệp ước các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) cho đến khi thông qua giải pháp tương xứng. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định là bên đầu tiên triển khai những vũ khí như vậy tại các khu vực, nơi sẽ không có hệ thống tương tự của Mỹ, kể cả Liên minh châu Âu."

[Lần đầu tiên Tùy viên quân sự Mỹ không dự họp báo ở Hạ viện Nga]

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 6/3 cũng tuyên bố Moskva sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến các mối đe dọa từ Mỹ đối với an ninh của nước này.

Theo ông Lavrov, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc tham vấn hoặc đàm phán nhằm tăng cường sự ổn định chiến lược trong các điều kiện mới.

“Đó không phải là lỗi của chúng tôi khi mà tất cả các đề xuất của chúng tôi đều bị bỏ qua mà không có một phản ứng nào," người đứng đầu ngành ngoại giao Nga phát biểu trong một sự kiện tại Abu Dhabi.

Ông Lavrov dẫn lời của Tổng thống Putin cho biết tất cả các đề xuất của Nga vẫn nằm trên trên bàn. Tháng 11/2018, Tổng thống Putin cũng từng nói Moskva sẽ không để bất cứ ai lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới và rằng Nga sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ về một hiệp ước song phương liên quan việc cấm các tên lửa tầm trung.

Những lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu đang gia tăng sau khi Mỹ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF - một hiệp ước quan trọng thời Chiến tranh Lạnh, với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi phát triển một hệ thống tên lửa mới. INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa Novator 9M729.

Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy Novator 9M729, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục