''Nga là mối đe dọa đáng kể đối với lợi ích của Mỹ và các đồng minh''

Chuyên gia Mỹ nhận định Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất trong số các cường quốc hạt nhân và "có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ và các quốc gia đồng minh.”
Tổng thống Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao quân đội Nga thăm trung tâm bay thử nghiệm quân sự ở Akhtubinsk, Nga, ngày 14/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao quân đội Nga thăm trung tâm bay thử nghiệm quân sự ở Akhtubinsk, Nga, ngày 14/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo thường niên “Chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ” các chuyên gia Quỹ Di sản (Heritage Foundation) của Mỹ cho rằng Moskva là “mối đe dọa đáng kể” đối với lợi ích của Mỹ, song không mạnh như thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo báo cáo, Nga đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với Mỹ và các lợi ích của Mỹ ở châu Âu.

Nga đang ưu tiên củng cố quân đội và tài trợ cho các hoạt động quân sự của họ ở nước ngoài, dù nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất trong số các cường quốc hạt nhân và “đây là một trong số ít các quốc gia có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ và các quốc gia đồng minh.”

Nói về việc hiện đại hóa quân đội Nga, báo cáo đã đề cập đến hệ thống tên lửa phòng không S-500.

[Quân đội Nga được trang bị radar "săn" mục tiêu tàng hình]

Năm 2018, CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết trong quá trình thử nghiệm, hệ thống phòng không này đã hạ mục tiêu ở khoảng cách 480km, đây là kỷ lục đối với các hệ thống loại này.

Các chuyên gia Quỹ Di sản cho rằng tầm bắn của tên lửa "có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh châu Âu" khi tên lửa này được đưa vào hoạt động.

Báo cáo cũng đề cập đến các hệ thống chống vệ tinh và hệ thống tác chiến điện tử đang được Nga phát triển.

Các chuyên gia nhận định, hiện tại, Nga không phải là mối đe dọa toàn cầu đối với Mỹ giống như Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song Nga vẫn đe dọa các lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Họ lưu ý đến “năng lực đầy đủ” của Moskva - từ lực lượng mặt đất đến không quân, hải quân và vũ khí mạng.

Hồi tháng Bảy, cựu Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Heinrich Braus và Giám đốc Viện Chính sách an ninh tại Đại học Kiel, Joachim Krause đã trình bày một báo cáo chung cho rằng Nga có thể tìm cách tiến hành một “cuộc tấn công bất ngờ với quy mô hạn chế” vào các nước châu Âu trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với NATO.

Báo cáo này cũng lưu ý, chiến lược quân sự của Nga liên quan đến việc chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh khu vực với nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng Chín, Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết sự vượt trội của NATO đối với Moskva đã không còn. Theo ông, vì nước Nga đang trỗi dậy, NATO đang thực hiện một chiến lược mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục