Nga lo ngại NATO gây bất ổn tình hình khu vực Đông-Bắc Âu

Moskva quan ngại sâu sắc về việc NATO gia tăng đáng kể số cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga, đặc biệt ở khu vực Đông-Bắc châu Âu, sẽ làm cho tình hình khu vực này trở nên bất ổn.
Nga lo ngại NATO gây bất ổn tình hình khu vực Đông-Bắc Âu ảnh 1Xe tăng của Mỹ - 1 trong hơn 100 đơn vị khí tài quân sự của nước này - được chuyển tới các quốc gia đồng minh khu vực Baltic để tập trận. (Nguồn: AFP/TTXV)

Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường các cuộc tập trận gần biên giới với Nga chỉ làm cho tình hình khu vực Đông-Bắc châu Âu trở nên bất ổn. Đó là lời tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov đưa ra ngày 16/3.

Theo ông Meshkov, Moskva quan ngại sâu sắc về việc các nước NATO gia tăng đáng kể số cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga, đặc biệt ở khu vực Đông-Bắc châu Âu, nơi vốn được xem là khá ổn định về an ninh không chỉ trong khu vực, mà cả trên thế giới.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng hành động của NATO sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên bất ổn và gia tăng căng thẳng ở khu vực này.

Tuyên bố trên của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo trong năm 2015, khối quân sự này sẽ tăng cường các cuộc tập trận với cường độ và quy mô lớn nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng như đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh (VJTF) gồm 5.000 quân triển khai ở các nước đồng minh phía Đông như Ba Lan và các nước Baltic.

Hiện tại khu vực Biển Đen cũng đã diễn ra cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của lực lượng và tàu chiến từ 7 nước NATO gồm Mỹ, Canada, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania.

Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp Duma quốc gia (Hạ viện) Nga thảo luận về quan hệ Nga-Liên minh châu Âu (EU), Đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov khẳng định Nga không chấp nhận thiết lập quan hệ với EU theo mô hình cũ, khi Moskva bị xem là "đối tác cấp thấp."

Theo ông Chizhov, quan hệ Nga-EU lâm vào khủng hoảng là do Brussels không coi Moskva là đối tác bình đẳng mà chỉ là đối tác thấp hơn, cần phải được “huấn luyện” và “khuyên răn.”

Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Zheleznyak khẳng định khả năng để tiếp tục quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nga và EU vẫn hiện hữu, song để thực hiện điều này, các chính khách và các nghị sỹ châu Âu phải bắt đầu hành động trên nguyên tắc vì lợi ích của cử tri EU, chứ không phải theo các tín hiệu được phát đi từ bên ngoài.

Trong vòng một năm qua, quan hệ giữa Nga và Phương Tây đã xấu đi ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục