Nga muốn tăng cường hợp tác thực tế và cùng có lợi hơn nữa với Đức

Tổng thống Nga Putin lưu ý ngay cả trong giai đoạn giá khí đốt cao và nguồn cung thiếu hụt ở châu Âu, Moskva sẽ vẫn cung cấp nhiên liệu cho Đức trên cơ sở mức giá theo hợp đồng dài hạn.
Nga muốn tăng cường hợp tác thực tế và cùng có lợi hơn nữa với Đức ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, đông bắc nước Đức, ngày 7/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Sholz ngày 15/2 tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí mang tính thương thảo.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng ông đã nhận thấy tâm lý mong muốn hợp tác thực tế và cùng có lợi hơn nữa giữa Moskva và Berlin của Thủ tướng Đức.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 giờ, Tổng thống Putin nói: "Trong khuôn khổ cuộc hội đàm hôm nay, đã diễn ra trong bầu không khí thương thảo, chúng tôi đã thảo luận một cách kỹ lưỡng và thực chất một loạt vấn đề trong quan hệ song phương và triển vọng phát triển mối quan hệ này, và tất nhiên, chú ý nhiều đến những vấn đề cấp bách nhất trong chương trình nghị sự quốc tế."

Theo Tổng thống Putin, Nga hiện đang cung cấp hơn 1/3 nhu cầu hydrocarbon của Đức.

Ông Putin khẳng định năng lượng đóng vai trò trọng tâm trong hợp tác kinh tế với Đức. Kể từ sau khi dự án "khí đốt đổi lấy đường ống" vào những năm 1970 được thực hiện thành công, người tiêu dùng Đức và các nước châu Âu khác đã được cung cấp khí đốt của Nga một cách đáng tin cậy và không bị gián đoạn.

Theo thống kê được Nhà lãnh đạo Nga trích dẫn, năm 2021, Liên bang Nga đã cung cấp khí đốt cho Đức với khối lượng 50,7 tỷ m3.

Ông Putin nhấn mạnh: "Tôi muốn lưu ý rằng ngay cả trong giai đoạn giá khí đốt cao và nguồn cung thiếu hụt ở châu Âu, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng Đức trên cơ sở mức giá theo hợp đồng dài hạn."

Về "Dòng chảy phương Bắc 2," Tổng thống Nga nhấn mạnh dự án này được xây dựng nhằm tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu và không hề phục vụ các mục đích chính trị.

Nhà lãnh đạo Nga khảng định: "Đây là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Âu, được xây dựng nhằm tăng cường đáng kể an ninh năng lượng trên lục địa này, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế và môi trường toàn châu Âu."

[Nord Stream 2 lập công ty con để đẩy nhanh thủ tục vận hành ở Đức]

Theo ông Putin, cơ quan quản lý quốc gia Đức đang tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận cho "Dòng chảy phương Bắc 2," vốn đã hoàn toàn sẵn sàng hoạt động trên quan điểm kỹ thuật từ tháng 12/2021.

Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024, nếu đối tác vẫn có nhu cầu.

Tổng thống Nga khẳng định: "Tôi muốn lưu ý rằng chúng tôi sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt thông qua Ukraine ngay cả sau năm 2024, khi hợp đồng vận chuyển hiện tại qua quốc gia này hết hạn, tất nhiên, nếu vẫn có nhu cầu từ các nhà nhập khẩu châu Âu, vẫn có lãi và bản thân hệ thống vận chuyển khí đốt vẫn trong tình trạng kỹ thuật tốt."

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Putin cho biết Moskva và Berlin sẽ suy nghĩ về cách giải quyết các vấn đề liên quan việc phát sóng của Kênh truyền hình "Russian Today" (RT) ở Đức và Kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức ở Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề liên quan hoạt động của Deutsche Welle ở Nga và RT ở Đức. Tôi không muốn đi vào chi tiết vấn đề ngay lúc này để không làm phức tạp thêm tình hình, nhưng chúng tôi đã thống nhất rằng sẽ suy nghĩ có thể giải quyết vấn đề này như thế nào."

Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz khẳng định điều quan trọng là duy trì đối thoại với Nga. Ông Scholz nêu rõ: "Đối với tôi, điều quan trọng là hôm nay đã có mặt tại đây, ở Moskva. Cảm ơn vì các bạn đã đón tiếp và cuộc đối ngoại rất chi tiết. Chúng ta đã không bỏ qua một chủ đề nào đang tồn tại trong quan hệ giữa hai nước. Điều quan trọng là chúng ta đã thực sự nói chuyện với nhau."

Thủ tướng Đức cho biết Berlin quan tâm đến một cuộc đối thoại trung thực với Moskva thông qua xã hội dân sự.

Theo ông Scholz, quan hệ kinh tế giữa Đức và Nga có nhiều tiềm năng, đồng thời khẳng định hai nước cần hợp tác trong vấn đề giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Ngoài ra, Thủ tướng Scholz cũng bày tỏ hy vọng về quyết định tiếp tục hoạt động của diễn đàn “Đối thoại St-Peterburg."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục