Nga-NATO hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Việc Nga-NATO thông qua Tuyên bố chung đã khẳng định hai bên bắt đầu giai đoạn hợp tác mới, hướng đến quan hệ đối tác chiến lược.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã diễn ra ngày 20/11 tại Lisbon, Bồ Đào Nha ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO và đã đạt được sự nhất trí hướng tới xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược thực sự.

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen coi đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử NATO do các quyết định được thông qua tại Hội đồng Nga-NATO.

Việc thông qua Tuyên bố chung Nga-NATO khẳng định hai bên đã bắt đầu một giai đoạn hợp tác mới, hướng đến quan hệ đối tác chiến lược thực sự.

Các nước thành viên Hội đồng Nga-NATO có trách nhiệm hành động với tư cách 29 đối tác bình đẳng nhằm thực hiện tiềm năng to lớn của hai bên thông qua phát triển đối thoại và hợp tác thực tế xuất phát từ lợi ích chung.

Tuyên bố nhấn mạnh các nước NATO và Nga quyết tâm thông qua Hội đồng Nga-NATO để thảo luận về những thành tựu hợp tác, các quyết định và hành động chung về nhiều vấn đề an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây dương.

Hai bên nhất trí chính sách minh bạch và có tầm nhìn xa nhằm củng cố an ninh và ổn định không gian châu Âu- Đại Tây dương thông qua các thiết chế và công cụ hiện có đáp ứng lợi ích của Nga và NATO.

Trong tuyên bố chung, hai bên bày tỏ sự sẵn sàng làm việc nhằm đạt được quan hệ đối tác mới mang tính chiến lược thực sự dựa trên nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, minh bạch và ổn định.

Các nước Hội đồng Nga-NATO sẽ tránh đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực chống lại nhau cũng như chống lại bất kì quốc gia nào khác dưới mọi hình thức, không phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên bố về các nguyên tắc Helsinki.

Hai bên thoả thuận thảo luận việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, cùng đánh giá những mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ bên ngoài và tiếp tục đối thoại trong lĩnh vực này.

Hội đồng Nga-NATO cũng sẽ nối lại hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa chiến trường. Hội đồng Nga-NATO sẽ tiến hành phân tích những điều kiện cơ bản hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra, Hội đồng Nga-NATO còn ủng hộ việc nhanh chóng thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START mới giữa Nga và Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO thoả thuận cùng nhau đánh giá những mối đe dọa chung về an ninh trong thế kỉ 21 và xác định những hướng hợp tác chống khủng bố, cướp biển, buôn bán ma túy, không phổ biến vũ khí hạt nhân, đối phó thiên tai và phòng thủ tên lửa.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Đường lối chiến lược vừa được NATO thông qua là một quyết định quan trọng.

Văn kiện này có điểm làm Nga quan ngại nhưng cũng có điểm làm Nga lạc quan. Điều quan trọng là văn kiện thể hiện mong muốn của NATO hướng tới quan hệ đối tác đầy đủ với Nga. Hai bên vẫn còn bất đồng về một số vấn đề, trong đó có việc đánh giá cuộc xung đột ở Nam Ossetia năm 2008, nhưng sẵn sàng tiếp tục đối thoại.

Về việc NATO đề nghị tham gia xây dựng hệ thống phòng thủ châu Âu, Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định Nga đã chấp nhận đề nghị này.

Hợp tác sẽ thực hiện theo hai hướng. Thứ nhất Nga và NATO nối lại hợp tác trong hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường đã được bắt đầu năm 2003 nhưng bị gián đoạn năm 2008 do Nga quan ngại về kế hoạch của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ, chủ trương triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia tại châu Âu.

Thứ hai Nga và NATO thoả thuận khởi sự nghiên cứu khả năng phối hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của nhau.

Tổng thống Nga cho biết đã đề nghị các đối tác NATO thảo luận ý tưởng thiết lập tại châu Âu một "hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực." Tuy nhiên ông đặc biệt nhấn mạnh trong mọi trường hợp Nga sẵn sàng tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ trên cơ sở bình đẳng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ hài lòng về kết quả hội nghị thượng đỉnh Nga-NATO. Ông cho rằng điều quan trọng nhất là hai bên đã thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Cũng tại hội nghị này, Nga và NATO đã kí thoả thuận mở rộng trung chuyển hàng hóa cho lực lượng NATO tại Afghanistan theo cả hai chiều, nghĩa là NATO có thể trung chuyển thiết bị từ Afghanistan ngược trở về.

Hai bên cũng quyết định thành lập một quỹ mua máy bay lên thẳng Mi-17 của Nga cho Afghanistan và Nga đào tạo phi công và nhân viên kĩ thuật cho NATO. Riêng lĩnh vực hợp tác chống khủng bố, hai bên thoả thuận sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin về các đối tượng khủng bố và ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố cũng như cùng nhau phát triển các công nghệ chống khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục