Nga phóng vệ tinh của châu Âu giám sát bầu khí quyển Trái Đất

Vệ tinh sẽ theo dõi bầu khí quyển của hành tinh nhằm phát hiện các sự kiện như núi lửa phun trào có thể gây nguy hiểm cho máy bay, hoặc các tia cực tím có thể tác động tiêu cực đến da.
Nga phóng vệ tinh của châu Âu giám sát bầu khí quyển Trái Đất ảnh 1Hình ảnh Nga phóng vệ tinh Sentinel-5P. (Nguồn: ESA)

Ngày 13/10, Nga đã phóng vệ tinh Sentinel-5P của châu Âu mang theo sứ mệnh quan sát bầu khí quyển Trái Đất.

Tên lửa Rokot mang theo vệ tinh Sentinel-5P đã được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk tại miền Bắc Nga. Đây là một phần trong dự án Copernicus đầy tham vọng theo sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhằm theo dõi các thiệt hại về môi trường và các chiến dịch ứng phó thảm họa.

Từ quỹ đạo cách Trái Đất 824 km, vệ tinh sẽ theo dõi bầu khí quyển của hành tinh nhằm phát hiện các sự kiện như núi lửa phun trào có thể gây nguy hiểm cho máy bay, hoặc các tia cực tím có thể tác động tiêu cực đến da.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng sẽ sử dụng dữ liệu của Sentinel-5P để hiểu được cách thức các lỗ hổng hình thành trong tầng ozone của Trái Đất.

Đây là vệ tinh đầu tiên có sứ mệnh giám sát khí quyển Trái Đất và là vệ tinh thứ 6 trong dự án Copernicus. Sentinel-5P được thiết kế nhằm thu hẹp khoảng cách dữ liệu giữa Envisat, Aura của NASA và Sentinel 5. Vệ tinh đầu tiên trong mạng lưới Sentinel đã được phóng vào tháng 4/2014 nhằm cung cấp các hình ảnh nhanh chóng về đất đai, đại dương và kênh rạch.

EU và ESA đã cam kết đóng góp hơn 8 tỷ euro (9,5 tỷ USD) cho dự án này cho đến năm 2020. Việc triển khai dự án Copernicus này đang ngày càng cấp thiết sau khi châu Âu mất liên lạc với vệ tinh Envisat năm 2012 sau 10 năm hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục