Nga sẽ kiểm tra hàng loạt tên lửa Bulava sau sự cố

Ủy ban Công nghiệp Quân sự Nga sẽ kiểm tra tất cả lô tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava sau sự cố phóng tên lửa bất thành vào 6/9.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời quan chức Ủy ban Công nghiệp Quân sự Nga cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra tất cả lô tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava sau sự cố phóng tên lửa bất thành vào ngày 6/9 vừa qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp Quân sự, trực thuộc chính phủ Nga, ông Oleg Bochkarev thông báo: “Toàn bộ tên lửa bắt buộc phải được kiểm tra, mức độ và cách thức tiến hành kiểm tra sẽ được xác định sau khi các chuyên gia làm rõ nguyên nhân sự cố.”

Sự cố nói trên đã khiến tên lửa Bulava rơi ngay sau khi phóng ít phút từ tàu ngầm hạt nhân Aleksandr Nevsky.

Theo ông Bochkarev, việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại nhà máy Votkin, nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava và tổ hợp tên lửa chiến lược Topol-M.

Ông Bochkarev cũng không loại trừ khả năng nếu như các phương tiện cho phép kiểm tra các tên lửa ngay tại vị trí bảo quản thì sẽ tiến hành ngay tại khu vực đó.

Sự cố phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava không thành công diễn ra ngày 6/9 trong quá trình thử nghiệm quốc gia đối với tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Aleksandr Nevsky trên biển Trắng.

Ngay sau sự cố này Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã ra lệnh ngừng thử nghiệm đối với tàu nhầm hạt nhân Aleksandr Nevsky và Vladimir Monomakh, đồng thời tiến hành thêm năm lần phóng bổ sung để kiểm tra đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava.

[Nga tạm ngừng thử nghiệm hai tàu ngầm hạt nhân]

Bulava là tên gọi của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa R-30 3M30 dành cho tàu ngầm. Đây là loại ICBM sử dụng nhiên liệu rắn tiên tiến nhất của hải quân Nga, được lắp đặt trên các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới.

Tên lửa được phát triển bởi Viện kỹ thuật nhiệt Moskva, có tầm bắn tối đa 8.000km, mang từ 6 đến 10 đầu đạn có sức công phá từ 100-150 kiloton và có khả năng tự phân tách.

Từ năm 2004 đến nay Nga đã thực hiện khoảng 20 lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava, trong số đó có bảy lần phóng không thành công được công bố./.

Khôi Nguyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục