Nga sử dụng vệ tinh cứu nạn thế hệ mới Sterkh

Nga vừa đưa vào sử dụng nhóm vệ tinh cứu nạn công nghệ nano Sterkh, nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống cứu nạn Cospas-Sarsat.
Theo Đài "Tiếng nói nước Nga", Nga vừa đưa vào sử dụng nhóm vệ tinh cứu nạn thế hệ mới được chế tạo dựa trên công nghệ nano Sterkh, nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống cứu nạn toàn cầu Cospas-Sarsat.

Vệ tinh mini Sterkh, mang tên loài sếu trắng ở vùng Sibiri, có tốc độ xử lý thông tin cao hơn, khối lượng bộ nhớ lớn hơn, bảo đảm thực hiện những chiến dịch cứu trợ một cách nhanh chóng hơn so với vệ tinh thế hệ trước đó Nadezhda.

Trọng lượng của vệ tinh mini Sterkh cả thảy chỉ 170kg, gọn nhẹ hơn Nadezhda 5 lần. Thời hạn hoạt động tích cực của nó cũng gia tăng từ 2 năm lên 5 năm.

Ngoài ra, Sterkh có lắp đặt khối thiết bị radio hiện đại hơn, bảo đảm hoạt động vững vàng trong thành phần hệ thống cứu nạn toàn cầu Cospas-Sarsat, có khả năng theo dõi những di chuyển của tàu biển và các mục tiêu di động khác”.

Cuối tháng 7 vừa qua, vệ tinh Sterkh đầu tiên đã được phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Plesetsk. Theo kế hoạch, vệ tinh thứ hai sẽ lên quỹ đạo vào cuối tháng 9 tới.

Hệ thống Cospas-Sarsat của Nga được lập ra từ năm 1982, sử dụng các thiết bị vũ trụ mang tên Nadezhda phục vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên không và trên đất liền. Suốt thời gian 25 năm phục vụ trong hệ thống Cospas-Sarsat, Nadezhda đã tiến hành trên 5.700 chiến dịch cứu trợ, phát hiện và cứu giúp hơn 20.000 người./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục