Nga tăng cường can dự kinh tế tại châu Phi như thế nào?

Sự hiện diện kinh tế mờ nhạt của Nga ở châu Phi trở thành một vấn đề đáng quan ngại đối với một số chuyên gia Nga và họ tự hỏi tại sao quốc gia này không hành động tích cực như đồng minh Trung Quốc.
Nga tăng cường can dự kinh tế tại châu Phi như thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theelephant.info)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin sự hiện diện kinh tế mờ nhạt của Nga ở châu Phi đã trở thành một vấn đề đáng quan ngại đối với một số chuyên gia Nga và họ tự hỏi tại sao quốc gia này không hành động tích cực như đồng minh Trung Quốc.

Các quốc gia nhỏ hơn như Thổ Nhĩ Kỳ hay một số quốc gia vùng Vịnh cũng đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế một cách rõ ràng.

Tháng 7/2021, các bên tham dự Hiệp hội hợp tác kinh tế với các nước châu Phi (AECAS) - được thành lập dưới sự điều hành của Văn phòng Diễn đàn Đối tác Nga-châu Phi (RAPF) - đều cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do thiếu hỗ trợ tài chính.

Diễn đàn này, với sự tham gia của một số công ty và ngân hàng hàng đầu của Nga, đã thảo luận về một hệ thống để tài trợ các dự án và hỗ trợ đầu tư vào châu Phi hiệu quả.

[Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi sẽ tăng nhẹ năm 2021]

Theo Anna Belyaeva, Giám đốc điều hành của AECAS, việc tài trợ cho các dự án ở châu Phi là một trong những chìa khóa quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề khó khăn nhất đối với các công ty lớn Nga đang cố gắng mở rộng sang châu Phi và các công cụ tài chính mà họ sử dụng là không đủ.

Bà nhấn mạnh: “Các cơ chế tài trợ hiện tại là không đủ. Chúng tôi đã phân tích kinh nghiệm của các các nước phát triển đến từ châu Âu và phương Tây, vốn là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nga tại châu Phi: tất cả các nước này đều đã có cơ chế và quỹ tập trung vào châu Phi.”

Nikita Gusakov, Giám đốc Cơ quan Bảo hiểm đầu tư và Tín dụng Xuất khẩu Nga (EXIAR), nhắc lại rằng châu Phi là một ưu tiên của cơ quan này, đồng thời nêu ra một số thương vụ mà EXIAR đã tham gia tại châu lục này.

Ông cũng phê bình và thẳng thắn về một số điểm liên quan đến cơ chế tài chính và sự chậm chạp trong việc thực hiện các cam kết đầu tư, cũng như mức độ ảnh hưởng của sự chậm trễ này đến hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Nga và châu Phi.

Ông Gusakov nói: “Chúng tôi có mong muốn và năng lực tài trợ cho các dự án ở châu Phi. Tuy nhiên, hiện có hai vấn đề cần được giải quyết: mức độ lập kế hoạch thấp của các công ty Nga muốn thâm nhập thị trường châu Phi và sự thiếu nhận thức về các cơ hội tại thị trường châu Phi của các công ty Nga.”

Để nâng cao ảnh hưởng kinh tế, Nga đã và đang nỗ lực xác định một cơ chế tài chính có trật tự đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn như năng lượng hạt nhân, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tăng cường thương mại với châu Phi.

Mỹ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, đã cung cấp vốn để hỗ trợ các công ty sẵn sàng thực hiện các dự án, trong đó bao gồm nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khác nhau tại các nước châu Phi. Một số đã công khai vốn cam kết, bao gồm cả các khoản vay ưu đãi, cho châu Phi.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: “Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác đầu tư và tài chính để hỗ trợ phát triển bền vững ở châu Phi. Trung Quốc đã cung cấp hạn mức tín dụng 60 tỷ USD cho các nước châu Phi để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, sản xuất và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.”

Trung Quốc luôn cam kết đạt được hợp tác và phát triển đôi bên cùng có lợi với châu Phi.

Nga có thể xem xét mô hình Trung Quốc tài trợ cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng khác nhau ở châu Phi. Đối với Nga, các đề xuất chính thức về những hình thức hỗ trợ cho thương mại và đầu tư đã được chú ý trong nhiều năm qua.

Tháng 5/2014, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một bài viết về chính sách đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: “Nga đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các quốc gia châu Phi. Nga sẽ cung cấp cho các nước châu Phi nhiều ưu đãi trong thương mại.”

Sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi đầu tiên diễn ra tại Sochi vào tháng 10/2019, Nga và châu Phi đã quyết tâm chuyển từ những ý định đơn thuần sang những hành động cụ thể nhằm nâng cao thương mại và đầu tư song phương lên mức cao hơn đáng kể trong những năm tới.

Ông Lavrov giải thích: “Hiện còn rất nhiều công việc thú vị và đòi hỏi ở phía trước, và có lẽ chúng ta cần phải chú ý đến kinh nghiệm của Trung Quốc - quốc gia cung cấp cho các doanh nghiệp của mình sự bảo đảm và trợ cấp của nhà nước, do đó đảm bảo khả năng các công ty làm việc một cách có hệ thống và lâu dài.”

Theo ông, Bộ Ngoại giao Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho các sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ giữa Nga và châu Phi.

Trên thực tế, sự ra đời của Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) là một tín hiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội mới này ở châu Phi.

Hiệp định này nhằm mục đích tạo ra một thị trường cho hàng hóa và dịch vụ, tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do đối với những người kinh doanh và đầu tư ở châu Phi. Như đã được tuyên bố, AfCFTA có rất nhiều ưu đãi bên cạnh việc tạo ra một thị trường với 1,3 tỷ dân.

Trong nhiều năm, các nhà chức trách đã nhiều lần cho biết các mục tiêu dài hạn của Moskva bao gồm phát triển hợp tác đầu tư với các nước châu Phi, mở rộng sự hiện diện của các công ty Nga ở châu Phi và tăng cường sức ảnh hưởng của Nga trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của châu Phi. Đồng thời, Nga cần xem xét đơn giản hóa thủ tục tiếp cận thị trường cho các nhà xuất khẩu của các quốc gia châu Phi.

Một vấn đề còn tồn tại là có nhiều lĩnh vực kinh tế mà Nga vẫn chưa có sự hiện diện nào - ví dụ rõ ràng nhất là hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ.

Việc địa phương hóa và sản xuất các hàng hóa của Nga để phân phối theo các quy tắc và quy định của AfCFTA là một lựa chọn để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đó hoàn toàn đơn thuần là hoạt động kinh doanh và không phải viện trợ nhân đạo.

Việc thiếu can dự với châu Phi là hệ quả của sự thất bại trong việc phát triển và đa dạng hóa các mối quan hệ của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, và đó là thách thức cơ bản đối với cái gọi là ngoại giao kinh tế của nước này.

Bất chấp những thất bại trong những năm qua, Nga vẫn tràn đầy sự lạc quan và hy vọng sẽ đạt được một số tiến bộ dưới sự điều hành của văn phòng RAPF, cơ quan giám sát việc chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh tương lai.

Nga cần phải thể hiện cam kết tài chính và sẵn sàng đối phó với mọi rủi ro đầu tư, đặc biệt là hiện nay, khi tuyên bố chung được thông qua từ hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa Nga và châu Phi được tổ chức vào tháng 10/2019 vạch ra con đường mới và tạo động lực để mở rộng quan hệ Nga-châu Phi hiện có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục