Nga vẫn mở rộng xuất khẩu vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt

Nga tiếp tục mở rộng xuất khẩu vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt

Người đứng đầu cơ quan hợp tác kỹ thuật-quân sự của quân đội Nga cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước khác thông qua việc mở rộng hoạt động xuất khẩu vũ khí.
Nga tiếp tục mở rộng xuất khẩu vũ khí bất chấp lệnh trừng phạt ảnh 1Một xưởng sản xuất xe tăng của Nga tại Siberia. (Nguồn: Reuters)

Theo Tân Hoa xã, ngày 27/3, người đứng đầu cơ quan hợp tác kỹ thuật-quân sự của quân đội Nga, ông Alexander Fomin cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước khác thông qua việc mở rộng hoạt động xuất khẩu vũ khí trong năm 2015, bất chấp lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Liên bang (Thượng viện), ông Fomin nói: "Các hợp đồng xuất khẩu quốc phòng trong tương lai của Nga có giá trị tới 48 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu vũ khí đạt trên 15,5 tỷ USD trong năm 2014."

Nga đã ký 90 thỏa thuận xuất khẩu vũ khí, với các sản phẩm công nghệ hàng không chiếm ưu thế trong tỷ trọng xuất khẩu.

Ông Fomin thông báo: "Việc chuyển giao các máy bay quân sự chiếm tới 44% hoạt động xuất khẩu."

Ông Fomin cho biết thêm Nga có kế hoạch ký các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự với Kyrgyzstan, Uzbekistan và Cameroon trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga cũng từng bán các trang thiết bị quân sự đã qua sử dụng cho các nước khác với trị giá trên 1,3 tỷ USD.

Trong năm 2014, Nga vẫn duy trì vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 sau Mỹ, với một số khách hàng chính trong đó có Ấn Độ, Iraq, Trung Quốc, Việt Nam và Venezuela.

Theo ông Fomin, tình hình xuất khẩu vũ khí trong năm 2015 có thể trở nên phức tạp hơn do lệnh trừng phạt của Phương Tây và sự đổ vỡ những mối liên kết trong ngành công nghiệp quốc phòng giữa các doanh nghiệp quốc phòng của Nga và Ukraine.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao của cơ quan xuất khẩu kỹ thuật-quân sự quốc doanh Rosoboronexport, ông Alexander Brindikov cho rằng Nga phải từ bỏ khoảng 30 lĩnh vực trong thị trường vũ khí toàn cầu do sức cạnh tranh thấp trong một số sản phẩm đặc biệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục