Nga tìm cách phá vỡ liên minh giữa Mỹ và người Kurd Syria

Nga phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó quy định tất cả các cửa khẩu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cho phép thông quan hàng viện trợ cho khu vực người Kurd Syria.
Nga tìm cách phá vỡ liên minh giữa Mỹ và người Kurd Syria ảnh 1Tổng thống Syria Bashar Assad bắt tay Vladimir Putin tại Điện Kremlin, ngày 20/10/2015. (Nguồn: haaretz)

Mới đây, tờ Haaretz đăng tải bài viết "Nga tìm cách phá vỡ liên minh giữa Mỹ và người Kurd Syria."

VietnamPlus giới thiệu nội dung bài viết:

Nga vừa phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó quy định tất cả các cửa khẩu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cho phép thông quan hàng viện trợ cho khu vực người Kurd Syria và các khu vực đang do phiến quân kiểm soát.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng phản đối một đề xuất mở 2 cửa khẩu cho mục đích này.

Hai nước này yêu cầu chỉ có một cửa khẩu duy nhất và do Chính quyền Syria kiểm soát. Điều này có nghĩa là tất cả các chuyến hàng viện trợ đến Syria thông qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đến Damascus, sau đó được phân phối theo giám sát của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng của Nga.

Đây dường như là biện pháp mới của Nga gây sức ép để phá vỡ mối quan hệ gần gũi của người Kurd Syria với Mỹ và với tỉnh Idlib của Syria, nơi có khoảng 50.000 phiến quân đang hoạt động. Như những chương khác trong cuộc nội chiến Syria, hiện các lực lượng Mỹ tại Đông Bắc Syria đang đối mặt với những khó khăn do Nga phong tỏa kinh tế khu vực này.

Người Kurd - những người được cho là được Mỹ bảo vệ - biết rõ ai kiểm soát khu vực này.

Tuần trước, Mazloum Abdi - chỉ huy của các lực lượng người Kurd - đã yêu cầu chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria Alexander Chaiko, ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực người Kurd và giúp chuyển hàng cứu trợ dân sự đến khu vực này.

Ba ngày sau đó, Abdi đã gặp chỉ huy của lực lượng Mỹ Kenneth McKenzie để "phối hợp trong việc tiếp tục cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng." Cuộc chiến chống IS mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thắng lợi một năm trước đây, vẫn đang diễn ra.

Tổ chức khủng bố này hiện không còn kiểm soát vùng lãnh thổ như trước đây tại Syria hay Iraq, nhưng các nhóm IS vẫn tiến hành các cuộc tấn công và do đó, trao cho Mỹ cái cớ để hợp thức hóa việc trì hoãn rút các lực lượng Mỹ khỏi miền Bắc Syria và Iraq. Người Kurd đã tham gia vào cuộc chiến chống IS và các chiến binh thân Iran xung quanh khu vực Deir el-Zour gần Iraq, cũng như chống lại Quân đội Syria.

Nga muốn phá vỡ mối quan hệ gần gũi giữa Washington và các lực lượng Kurd và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Syria cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Vì vậy, vào tháng Tư vừa qua, Nga có các cuộc gặp với lãnh đạo các bộ tộc Arab tại phía Bắc Syria và đề xuất các bộ tộc này sẽ thành lập lực lượng quân sự riêng, nằm dưới sự chỉ đạo của Chính quyền Syria.

[Mỹ tuyên bố tiêu diệt hai thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria]

Lãnh đạo các bộ tộc đã gật gù lắng nghe, sau đó bác bỏ đề xuất này. Họ nghi ngờ người Nga có ý định thành lập một lực lượng quân sự bộ tộc và sẽ đưa đến Libya để chiến đấu chống lại Chính phủ tại Tripoli.

Người Nga nói rằng Washington có thể quyết định bất kỳ lúc nào về việc rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực và để lại người Kurd không được bảo vệ. Thay vào đó, Nga hứa sẽ đưa người Kurd trở thành một phần không tách rời của tiến trình ngoại giao và sẽ là đối tác trong Chính quyền Syria, sau khi cuộc chiến kết thúc.

Một số cuộc gặp đã diễn ra giữa người Kurd và chính phủ Syria do Nga làm trung gian nhưng chưa có kết quả. Người Kurd không vội vàng trong việc chấp nhận các đề xuất của Nga. Khi các lực lượng Nga cố gắng xây dựng các căn cứ quân sự gần Malikiyah tại Đông Bắc Syria (gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ), họ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ cư dân địa phương và buộc phải tạm dừng kế hoạch.

Khoảng một năm trước, Abdi tuyên bố người Kurd không tin tưởng người Nga, những người đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ - bên xâm lược các vùng đất của người Kurd. Nhưng người Kurd "sẽ không phản đối một lộ trình ngoại giao bởi vì đó là con đường duy nhất chấm dứt chiến tranh." Tuy vậy, lộ trình này đã bị ngăn chặn và việc khởi động lại nó không chỉ phụ thuộc duy nhất vào người Kurd.

Bản thân Tổng thống Assad cũng không vội vàng. Việc xây dựng và thông qua hiến pháp mới theo yêu cầu của Moskva cũng như tổ chức bầu cử và thành lập một chính phủ mới có đại diện của nhiều bên sẽ làm thu hẹp quyền lực của Assad, chấm dứt độc quyền lãnh đạo của ông và làm gia tăng sự phụ thuộc vào Nga.

Hiện nay, thực tế là Tổng thống Assad phải thực hiện theo mệnh lệnh của Nga, trao cho Nga nhiều lợi ích kinh tế để đổi lấy dầu mỏ và hỗ trợ quân sự, "cắn răng chịu đựng" khi Israel tấn công các mục tiêu của Iran tại Syria và chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một số khu vực tại Syria.

Nhưng tất cả những điều này bảo đảm rằng ông ta tiếp tục điều hành chính phủ và duy trì quyền thừa kế từ cha mình. Theo quan điểm của Tổng thống Assad, Nga vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh tại Syria.

Nga chưa ép được Thổ Nhĩ Kỳ đuổi phiến quân tại tỉnh Idlib và chưa thuyết phục được lãnh đạo người Kurd đầu hàng Damascus. Vì vậy, vẫn chưa phải là thời điểm cho một hiến pháp mới hay ép Assad chấp nhận nhượng bộ chính trị.

Nếu muốn làm điều đó, Nga phải chắc rằng các lực lượng đối lập - như phiến quân tại Idlib và người Kurd tại miền Bắc- buộc phải hạ vũ khí, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ phải rút lực lượng khỏi Syria.

Assad được cho là không có khả năng mặc cả về quân sự hay chính trị với Nga, nhưng ông ta có quyền kiểm soát dân sự tại hầu hết lãnh thổ Syria và một quân đội nhìn chung vẫn trung thành với mình, trong khi người Nga không tìm được lãnh đạo nào khác có thể thay thế Tổng thống Assad./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục