Nga tuyên bố không có nguyện vọng quay trở lại nhóm G8

Nga cho rằng nước này được mời tham gia G8 chính xác chỉ với tư cách để bàn luận về chính trị, các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề kinh tế thuần túy chỉ dành cho một vài nước trong G7.
Nga tuyên bố không có nguyện vọng quay trở lại nhóm G8 ảnh 1Các nhà lãnh đạo G7 và khách mời chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, ngày 25/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Nga ngày 1/12, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga không có nguyện vọng quay trở lại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G8).

Ông Medvedev nhấn mạnh Nga không hề có ác cảm hay coi Nhóm G8 là không cần thiết mà chỉ thấy tính hợp lý của các cuộc thảo luận tại định dạng này không cao.

Nga không thấy có triển vọng nào cho G8 theo định dạng ban đầu. Trước đây, khi còn ở trong G8, Nga cũng chưa bao giờ tham gia thảo luận các vấn đề kinh tế thuần túy tại các cuộc họp của nhóm.

Nga được mời tham gia G8 chính xác chỉ với tư cách để bàn luận về chính trị. Các cuộc thảo luận liên quan tới vấn đề kinh tế thuần túy chỉ dành cho một vài nước trong G7.

Ngoài ra, ông khẳng định Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 hoạt động hiệu quả hơn so với G8.

Đánh giá về tính khả thi của việc ký kết Hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật, đặc biệt liên quan tới tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril mà Nga đang kiểm soát (phía Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc), ông Medvedev cho rằng việc hoàn tất hiệp ước hòa bình theo các điều khoản mà phía Nhật đưa ra là bất khả thi.

[Bàn về khả năng Mỹ mở rộng thành viên trong nhóm G7]

Bản thân phía Nhật Bản cũng nhận thức được điều này song vẫn muốn duy trì các điều khoản đó.

Quan hệ giữa Nga và Nhật Bản lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc.

Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tháng 11/2018, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể nào.

Hiến pháp Nga sửa đổi được thông qua vào tháng 7/2020 đã quy định cấm chuyển nhượng lãnh thổ, một động thái thể hiện thái độ không nhượng bộ của Moskva xung quanh vấn đề này, khiến cho triển vọng giải quyết tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản càng trở nên khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục