Nga và Liên hợp quốc sẽ sớm tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria, ông Mistura, đã trao đổi quan điểm về các cuộc tiếp xúc quốc tế mới nhất về Syria, cũng như các giải pháp chính trị khả thi.
Nga và Liên hợp quốc sẽ sớm tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Staffan de Mistura. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 24/11, các quan chức cấp cao Chính phủ Nga và đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Staffan de Mistura, đang ở thăm Nga, nhất trí rằng đã có nhiều tiến triển trong việc đạt được một giải pháp chính trị tại Syria và cần nhanh chóng tổ chức một đại hội đối thoại dân tộc Syria.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc gặp tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và ông Mistura đã trao đổi quan điểm về các cuộc tiếp xúc quốc tế mới nhất về Syria, cũng như các giải pháp chính trị khả thi.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các nỗ lực quốc tế để khởi động tiến trình đàm phán toàn diện giữa các bên tại Syria, với vai trò dẫn dắt của Liên hợp quốc dựa trên nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov và ông Mistura cũng nhất trí duy trì mối liên hệ chặt chẽ trong tất cả các vấn đề về Syria.

Cùng ngày, đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong đó thảo luận về việc tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria.

[Máy bay ném bom tầm xa của Nga tấn công mục tiêu IS tại Syria]

Hai bên nhất trí cần "thu xếp một cuộc đối thoại chính trị càng sớm càng tốt", cũng như tổ chức và tiến hành một tiến trình dàn xếp chính trị ở Syria.

Phát biểu sau cuộc gặp, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Shoigu và ông Mistura "mang tính xây dựng."

Trước đó, ngày 22/11, lãnh đạo ba nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố Sochi của Nga, nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết khủng hoảng ở Syria.

Ba bên đều ủng hộ sáng kiến tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria tại Sochi, đồng thời nhất trí xem xét vấn đề về thời gian và thành phần tiến hành sự kiện quan trọng này, nhằm bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các phe phái ở Syria.

Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria tham gia hội nghị hòa bình này.

Đảng PYD và YPG được cho là những bên quan trọng trong cuộc xung đột tại Syria, song Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt 2 tổ chức này cùng với các chi nhánh đều thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ngoài vòng pháp luật.

Đảng YPG và PYD cũng là những lực lượng chủ chốt trong nhóm vũ trang đối lập Lực lượng Bảo vệ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn tại Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục