Nga và Trung Quốc có hưởng lợi từ "bất ổn" của Mỹ và BRICS?

Charles Pennaforte, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Liên bang Pelotas, bang Rio Grande do Sul, Brazil, giải thích cách mà chính sách của Trump có thể có lợi cho BRICS.
Nga và Trung Quốc có hưởng lợi từ "bất ổn" của Mỹ và BRICS? ảnh 1(Nguồn: India Today)

Theo Đài Sputnik, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 diễn ra tại Johannesburg (Nam Phi) trong bối cảnh “cuộc chiến tranh thương mại” là kết quả từ chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, những biến động xảy ra không chỉ ở bên ngoài mà còn ở ngay trong khối BRICS. Ví dụ, Brazil và Nam Phi bị sa lầy trong cuộc đấu tranh của các lực lượng chính trị khác nhau, trong khi Ấn Độ không che giấu sự bất mãn với dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Nga và Trung Quốc lại chủ động xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới.

Charles Pennaforte, chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Liên bang Pelotas, bang Rio Grande do Sul, trong một bình luận dành cho Sputnik Brazil, giải thích cách mà chính sách của Trump có thể có lợi cho nhóm BRICS.

Trước hết, chuyên gia lưu ý rằng Brazil, quốc gia tham gia sáng lập nhóm BRICS, đã bị mất phần lớn ảnh hưởng cả bên trong tổ chức và trên trường quốc tế: “Trong trường hợp của Brazil, thật không may, cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong hơn ba năm đã thực sự làm suy yếu vị trí của Brazil không chỉ trong BRICS mà còn trên đấu trường quốc tế. Xét về tầm quan trọng, chính phủ của (Michel) Temer đã dẫn Brazil quay về gần điểm xuất phát."

Chuyên gia cũng lưu ý với sự hối tiếc rằng đất nước về cơ bản không hoạt động trong BRICS, chú ý đến sự suy giảm vai trò đối ngoại của Brazil trong giai đoạn nhiệm kỳ Tổng thống Temer: “Bằng các công cụ quyền lực mềm, Brazil có thể có trọng lượng lớn hơn nhiều ở những khu vực mà Trung Quốc không có ảnh hưởng mạnh, nhưng, thật không may tại thời điểm này chúng tôi không có hành động nào."

Trong suốt năm 2018, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã đặt ra sắc thái cho chính sách quốc tế của Mỹ. Vào tháng 3/2018, Donald Trump đã tăng thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu, thậm chí không loại trừ các đồng minh thân cận của mình. Tạo ra sự lo lắng và nghi ngờ trên toàn thế giới, hành động của Trump có thể mang lại cho các nước BRICS cơ hội tái cấu trúc hệ thống thương mại thế giới.

Như chuyên gia tin tưởng, xu hướng là khi Mỹ tự cô lập mình, những nước khác tham gia thương mại quốc tế đang bắt đầu xây dựng lại chính sách: “Không nghi ngờ gì nữa, điều này rất quan trọng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của BRICS về mặt giao thương thế giới. Trên thực tế, Trump chỉ vạch rõ bản chất thương mại quốc tế hiện nay - để phục vụ lợi ích của các cường quốc kiểu cũ."

[Mega Story] BRICS khẳng định vai trò trong thời đại kinh tế 4.0]

Theo Charles Pennaforte, các nước BRICS đang trở thành một nơi mà các quốc gia đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho giao thương quốc tế hiện do Mỹ dẫn đầu: “Từ quan điểm thực tế, ông Trump không có cơ sở kinh tế tối thiểu. Phần lớn sản xuất của Mỹ nằm ngoài nước, ở Trung Quốc và các nước khác. Do đó, phát động cuộc chiến thương mại là một loại trả đũa dưới hình thức thuế hải quan, sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với ngành công nghiệp Mỹ trong trung hạn."

Chuyên gia nhấn mạnh rằng tác động tích cực của những cú sốc bảo hộ nằm trong thực tế là cần thúc đẩy thế giới hướng tới việc tập hợp lại các lực lượng chính trị để tìm kiếm một giải pháp thay thế.

Theo chuyên gia Pennaforte, BRICS sẽ đi theo đường hướng của hai quốc gia chính, có ảnh hưởng hiện đang tăng lên: “Dưới sự lãnh đạo của ông Putin trong những năm gần đây, nước Nga đã tái sinh mạnh mẽ. Họ, giống như cách Trung Quốc đã làm, 'cải tiến' kho vũ khí quân sự của mình. Tôi tin rằng hai nước này sẽ đi trước, thúc đẩy những thay đổi trên đấu trường quốc tế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục