Nga yêu cầu OCHA thảo luận trực tiếp với Syria về cơ chế giảm xung đột

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) đã ký kết với các nhóm phiến quân ở Syria về hoạt động giám sát nhân đạo trong khi lại gạt chính phủ Syria ra khỏi nỗ lực này.
Cảnh đổ nát sau các vụ không kích tại Idlib, Syria, ngày 12/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh đổ nát sau các vụ không kích tại Idlib, Syria, ngày 12/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/7 cho rằng Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc nên thảo luận vấn đề giảm xung đột tại các cơ sở dân sự ở Syria thông qua sự hợp tác trực tiếp với chính quyền Damascus.

Theo tuyên bố của bộ trên, cơ chế giảm xung đột ở Syria đã được thiết lập vào năm 2014.

Tuy nhiên, “trên thực tế, đó là một sáng kiến đơn phương của OCHA, mà không dựa trên luật nhân đạo quốc tế hoặc một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời, tài liệu hướng dẫn về chức năng của cơ chế này cũng nói rõ là nó không ràng buộc về mặt pháp lý, và sự tham gia vào đó là hoàn toàn tự nguyện. Nó cũng nói rằng bản danh sách các cơ sở dân sự được gửi đến đại diện của Nga, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên cơ sở thông báo.”

[Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố chung về tình hình tại Syria]

Tuyên bố khẳng định: “Chính phủ Syria đã bị gạt ra ngoài trong nỗ lực này. Tuy vậy, OCHA đã ký kết một số hình thức tuyên bố với các phiến quân của những nhóm vũ trang bất hợp pháp ở Syria về hoạt động giám sát luật nhân đạo quốc tế và cung cấp hỗ trợ nhân đạo.”

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi đã liên tục nêu rõ việc trao cho các cơ sở ở Idlib vị thế ‘được bảo vệ’ là không thể chấp nhận được. Liên hợp quốc không có bất cứ quyền tiếp cận nào với chúng, và vì vậy không thể xác định được liệu những cơ sở đó có được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc bị các phần tử khủng bố chiếm giữ và chuyển đổi thành những cơ sở quân sự hay không.”

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ trích Ngoại trưởng Anh Dominic Raab vì hành động mô tả quyết định rút khỏi cơ chế trên của Moskva là không thể biện minh và không thể chấp nhận được, vi phạm các nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế.

Trước đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock hôm 29/6 thông báo Nga đã rút khỏi cơ chế giảm xung đột nhân đạo từ ngày 23/6 vừa qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục