Nga-Đức thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế chiến lược

Thúc đẩy quan hệ kinh tế là trọng tâm cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại thành phố biển Sochi (Nga).
Thúc đẩy quan hệ kinh tế là trọng tâm cuộc gặp ngày 14/8 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại nhà nghỉ của ông Medvedev ở thành phố biển Sochi (Nga).

Phát biểu trong lễ đón bà Merkel, ông Medvedev cho biết thông qua việc củng cố các mối quan hệ kinh tế chiến lược song phương, Nga và Đức có thể giúp các nền kinh tế và người dân hai nước khắc phục hậu quả và vượt lên từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Về phần mình, bà Merkel xác nhận mục tiêu cuộc gặp tập trung vào các vấn đề kinh tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng Nga và Đức sẽ tận dụng mọi cơ hội xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu để phát triển mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng và lần thứ ba từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Merkel gặp Tổng thống Medvedev. Các cuộc gặp diễn ra vào thời điểm Đức và Nga đang thương thảo một số thỏa thuận công nghiệp quan trọng.

Thông báo của Điện Kremlin công bố trước chuyến thăm của bà Merkel cho biết ưu tiên của Nga trong các cuộc gặp này là đi đến một thỏa thuận, theo đó ngân hàng nhà nước Sberbank của Nga sẽ mua cổ phần trong Opel, chi nhánh lớn nhất tại châu Âu đang gặp khó khăn thuộc Hãng sản xuất ô tô General Motors của Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận khả năng Nga đầu tư vào các công ty đang làm ăn thua lỗ của Đức như nhà máy đóng tàu Wadan và hãng sản xuất vi mạch Qimonda. Cả hai công ty này đều đóng trụ sở tại khu vực bầu cử của bà Merkel và đang phải đối mặt với khả năng giãn thợ ồ ạt.

Theo Điện Kremlin, các dự án này có thể trở thành điểm khởi đầu quan trọng đối với các liên minh chiến lược giữa các công ty công nghệ cao của Đức và Nga trong ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và điện tử.

Hãng tin AFP dẫn nhận định của báo "Thương gia" và "Vedomosti" của Nga cho rằng các thỏa thuận đang được hai nhà lãnh đạo Đức và Nga thảo luận không có ý nghĩa nhiều về kinh tế đối với Nga, nhưng có thể giúp bà Merkel làm giảm nhẹ căng thẳng xã hội ở Đức, bắt nguồn từ việc giãn thợ.

Hơn nữa, vị thế của bà Merkel sau cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức, dự kiến vào tháng 10 tới, có ý nghĩa rất quan trọng đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc" của Nga./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục