‘Ngắm phố phường Hà Nội thanh bình, thấy cống hiến của mình có ý nghĩa’

072a3926res-1602230615-14.jpg

Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của đại dịch COVID-19, một ngày của đội ngũ y bác sỹ chúng tôi ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 24 giờ dài đằng đẵng. Thậm chí không có khái niệm ngày và đêm, bởi 24/24 giờ, chúng tôi chỉ quẩn quanh trong các vách tường cách ly và điều trị bệnh nhân.

Lúc đó, chúng tôi chỉ khao khát được đặt chân ra bên ngoài cổng bệnh viện, được thong dong ngắm nhìn bầu trời và đi dạo cùng người thân.

Sau quãng thời gian này, chúng tôi được về nhà và tự thưởng cho mình một khoảng thời gian tĩnh tại trong quán càphê bên Hồ Gươm, thư thái ngắm nhìn mọi người qua lại, lắng nghe tiếng leng keng của phố phường Hà Nội thanh bình. Chỉ thế thôi, tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi, thấy sự cống hiến của mình trong quãng thời gian vừa qua thật có ý nghĩa. Đó cũng là những thành quả đạt được lớn nhất của chúng tôi.

Chúng tôi chỉ khao khát được đặt chân ra bên ngoài cổng bệnh viện, được thong dong ngắm nhìn bầu trời và đi dạo cùng người thân.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, là một trong 10 cá nhân được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 đã chia sẻ những khát khao bình dị cùng công việc của đội ngũ y bác sỹ trong mùa dịch COVID-19 vừa qua.

Tôi là một người may mắn được lựa chọn

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký quyết định tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 cho 10 cá nhân, trong đó có bác sỹ Nguyễn Trung Cấp.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp đã tham gia tích cực trong việc khám, phân loại và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm SASR-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong đó, bác sỹ Cấp trực tiếp điều trị cho gần 20 bệnh nhân nặng.

Bác sỹ Cấp trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Bác sỹ Cấp trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Trong nhiều năm qua, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp đã cùng tập thể các y bác sỹ Khoa Cấp cứu và các đồng nghiệp cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nguy kịch, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân.

Ngoài ra, ông cùng những người đồng nghiệp của mình đã tiến hành cấp cứu và khống chế thành công nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như dịch SARS (năm 2003), dịch cúm, dịch não mô cầu…

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam xuất hiện bệnh dịch COVID-19 cho đến nay, bác sỹ Cấp đã tham gia trực chiến tại bệnh viện trong suốt một thời gian dài để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và tham gia đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19; trực tiếp tham gia nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho y bác sỹ khi thao tác trong môi trường ô nhiễm… để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát trên phạm vi rộng.

“Tôi chỉ là một người trong tập thể ngành y được may mắn lựa chọn cho danh hiệu này.”

Đến nay, dịch COVID-19 ở Việt Nam đã có dấu hiệu tạm lắng, sau hơn 30 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.

Khi được hỏi về những cảm xúc sau khi nhận được danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú bác sỹ Cấp khẳng định: “Đây là một phần thưởng vinh danh cho các nhân viên y tế đã nỗ lực trong thời gian qua. Vụ dịch COVID-19 vừa qua mọi nhân viên y tế ở các vị trí đều hy sinh rất nhiều. Tôi là một người may mắn được lựa chọn trong hàng ngũ nhân viên y tế xuất sắc đại diện cho đội ngũ cán bộ y tế được Hà Nội ghi nhận trong số 10 công dân thủ đô ưu tú năm nay.”

Bác sỹ Cấp cho hay, các y bác sỹ làm việc trong “bệnh viện truyền nhiễm” với công việc thường ngày là điều trị, chống dịch, xử lý các bệnh nhân nặng và phức tạp từ sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, cúm, viêm gan, HIV, SARS… cho tới COVID-19.

Theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân thở máy tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

“Nhiều năm qua, chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và kết quả của đợt dịch COVID-19 này đã được xã hội ghi nhận. Đây là thành công bước đầu, là niềm vui, sự động viên to lớn với đội ngũ y bác sỹ chống dịch. Tôi chỉ là một người trong tập thể ngành y được may mắn lựa chọn cho danh hiệu này,” bác sỹ Cấp trải lòng.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội chuyên ngành hồi sức và về công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Nông nghiệp) vào năm 1995. Năm 2006, ông chuyển về làm việc tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Trong đợt dịch COVID-19, với vai trò là Trưởng khoa Cấp cứu, ngay từ ngày tiếp nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, ông đã cùng tập thể khoa xây dựng kế hoạch, thu thập tài liệu soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa học và chia sẻ cho các đồng nghiệp.

Những chiến thuật từ kinh nghiệm sẵn có

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, bác sỹ Cấp cho hay: “Đây là vụ dịch có nhiều người bị bệnh và tử vong, trong đó có không ít cán bộ y tế. Khi đối mặt với dịch bệnh, chúng tôi xác định mình thuộc nhóm nguy cơ cao, nhưng phải tìm mọi cách để vượt qua như tuân thủ các quy định về phòng hộ an toàn, cải tiến các biện pháp phòng hộ… Thời điểm lo nhất là những chuyến đi giải cứu công dân từ vùng dịch trở về. Đó là các chuyến đi đón với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất. Thời điểm chúng tôi công bố toàn bộ đoàn đi đón công dân về đều khoẻ mạnh là thời điểm vui nhất, khi mọi nỗ lực của nhân viên y tế đã đạt tới thành công.”

Khó khăn lớn nhất đối với các y bác sỹ khi đối mặt với COVID-19, theo bác sỹ Cấp, là mù mờ thông tin về bệnh. Đây là một dịch bệnh mới, giai đoạn đầu mọi người đều chưa có hiểu biết chung, kinh nghiệm không nhiều, nguồn thông tin, nguồn tài liệu về bệnh này rất hạn chế, bản thân trên thế giới chưa có nghiên cứu gì. Tất cả mọi ứng phó của bệnh viện và ngành y tế từ những chiến thuật, chiến lược dựa trên nghiên cứu sẵn có từ dịch cúm, SARS, MERS-CoV.

“Thời điểm chúng tôi công bố toàn bộ đoàn đi đón công dân về đều khoẻ mạnh là thời điểm vui nhất, khi mọi nỗ lực của nhân viên y tế đã đạt tới thành công.”

Giai đoạn đầu điều trị cho bệnh nhân, các bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là bệnh mới, tài liệu chưa có nhiều. Sau khi điều trị cho 10-20 bệnh nhân, các bác sỹ dần có kinh nghiệm và hiểu biết, bên cạnh đó những nghiên cứu trên thế giới sáng tỏ dần, việc chẩn đoán điều trị rõ ràng hơn.

Khi đợt dịch thứ hai bùng phát ở Đà Nẵng cũng là thời điểm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị cho rất đông bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về. Hơn một tuần sau đó, bác sỹ Cấp được điều động vào Huế để chi viện chống dịch. Thời điểm đầu tháng Bảy đó, Bệnh viện Trung ương Huế là nơi chia lửa cho Đà Nẵng, bằng cách tiếp nhận điều trị những bệnh nhân COVID-19 tình trạng nặng từ tâm dịch chuyển ra.

Bác sỹ Cấp nhớ lại: “Thời điểm đó, chúng ta đã có những bệnh nhân tử vong đầu tiên nên tình hình rất căng thẳng. Đồng nghiệp của chúng tôi ở Huế đều rất giỏi, tuy nhiên, cũng giống như chúng tôi ở giai đoạn đầu của dịch, các bác sỹ ở Huế chưa có nhiều kinh nghiệm đối mặt với COVID-19, nên chỉ có thể mang những kiến thức về bệnh lý tương tự để áp vào căn bệnh này.”

Bác sỹ Cấp khám, theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Bác sỹ Cấp khám, theo dõi sức khỏe cho một bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Khi đó, bác sỹ Cấp với nhiệm vụ của lực lượng chi viện chính là đem những kinh nghiệm thực tế trong điều trị COVID-19 để hỗ trợ các bác sỹ tại đây tháo gỡ những vấn đề đang còn tồn tại để tiếp sức cho các đồng nghiệp trong cuộc chiến chung với đại dịch.

Nhờ những thành tích trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nói riêng và nhiều thành tích cống hiến trong suốt 25 năm nghề y, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu đã được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào tháng Bảy vừa qua.

Sự bình yên ấy không tự nhiên mà có, nó là sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người với những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, là những tấm gương bình dị, sống hết mình vì cộng đồng.

Vinh dự hơn, ông là một trong 10 người được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 trong dịp kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2020). Trước đó, bác sỹ Cấp đã được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; năm 2016 được Thủ tướng tặng Bằng khen.

Tháng Mười vào Thu, cả Hà Nội chuyển mình trong tiết trời se lạnh và khoác lên mình vẻ lãng mạn rất riêng với chút nắng vàng hanh hao như mật rót trên “cốm sữa vỉa hè,” trên những chiếc lá bàng đỏ rực, trên mênh mang sóng nước Hồ Tây…

Vẻ đẹp bình yên lạ kỳ của Hà Nội trong tiết trời Thu khiến câu chuyện của bác sỹ Nguyễn Trung Cấp càng thêm thấm thía, sự bình yên ấy không tự nhiên mà có, nó là sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người với những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, là những tấm gương bình dị, sống hết mình vì cộng đồng. Họ là những “Công dân Thủ đô ưu tú”!./.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nghiên cứu tài liệu khi có thời gian rảnh. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nghiên cứu tài liệu khi có thời gian rảnh. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)