Ngắm trang phục cung đình và tham quan di tích khảo cổ mới phát lộ

Từ nay đến 28/2, khu di tích khảo cổ học mới phát lộ năm 2016 (phía Bắc di tích Đoan Môn tại Hoàng thành Thăng Long,19C Hoàng Diệu, Hà Nội) sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan.
Ngắm trang phục cung đình và tham quan di tích khảo cổ mới phát lộ ảnh 1Phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (trái) giới thiệu về các dấu tích mới phát lộ tại các hố khai quật trong năm 2016. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Trong thời gian từ nay đến ngày 28/2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội mở cửa phục vụ khách tham quan  di tích khảo cổ học mới phát lộ trong năm 2016  tại khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn, thuộc khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, số 19C Hoàng Diệu, Hà Nội.

Theo giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một trong những kết quả quan trọng nhất của đợt khai quật này là làm thay đổi nhận thức về di tích Đoan Môn (cổng thành phía Nam, lối đi chính để vào bên trong Cấm thành - nơi có điện Kính Thiên và các cung điện khác của nhà vua).

Cụ thể, kết quả khai quật lần này cho thấy, thành Đoan Môn còn lại hiện nay là công trình được xây lại vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18). Trong khi đó, trước đây, giới khoa học cho rằng, di tích Đoan Môn là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15).

Không chỉ có vậy, tại các hố khai quật trong năm 2016, nhiều dấu tích quan trọng khác đã phát lộ: các loại móng cột, đường nước thời Lý, dấu tích bó nền hoa chanh thời Lê sơ…

Trước đó, để phục vụ công tác bảo quản hiện vật, các hố khai quật thường được lấp lại để giữ nguyên hiện trạng. Bởi vậy, ngoài giới chuyên môn, công chúng rất hiếm khi được chiêm ngưỡng những di vật, dấu tích hoàng cung xưa dưới lòng đất.

Ngắm trang phục cung đình và tham quan di tích khảo cổ mới phát lộ ảnh 2Hoàng thành Thăng Long nhìn từ cột cờ Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, trong chuỗi hoạt động chào Xuân Đinh Dậu 2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cũng tổ chức triển lãm “Triều phục Việt Nam.”

Chương trình giới thiệu 15 bộ triều phục của các chúa Trịnh và vua Nguyễn (bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation) như: áo Ngự Hàn Long Viên Long của chúa Trịnh, áo Cát Phục Viên Long của Vua Đồng Khánh, Hoàng (Long) bào Đại triều mùa Xuân-Hạ…

“Bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống của Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống,” đại diện ban tổ chức cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục