Nga-Mỹ ký "Nhận thức chung về START"

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký "Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược".

Kết thúc cuộc hội đàm chiều 6/7 tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký "Nhận thức chung về vấn đề tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược".

Văn kiện trên khẳng định Nga và Mỹ thỏa thuận tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và trong thời gian tới sẽ ký thỏa thuận mới có tính ràng buộc pháp lý nhằm thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), sẽ hết hạn vào đầu tháng 12/2009.

Văn kiện nêu rõ hiệp ước mới quy định mỗi bên phải cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược để sau 7 năm hiệp ước có hiệu lực, mỗi nước chỉ còn 1.500-1.675 đầu đạn hạt nhân và 500-1.100 phương tiện phóng hạt nhân.

Theo văn kiện, hiệp ước mới phải quy định phương thức hai bên trao đổi số liệu, thông báo cho nhau về số lượng vũ khí tiến công chiến lược được thiêu hủy, cách thức thanh tra và kiểm tra và những biện pháp củng cố lòng tin trong quá trình thực hiện hiệp ước. Mỗi bên có quyền tự mình xác định thành phần và cơ cấu vũ khí tiến công chiến lược của mình. Các loại vũ khí tiến công chiến lược và phòng thủ chiến lược được quy định gắn kết chặt chẽ với nhau.

Hiệp ước mới phải quy định rõ ảnh hưởng của các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo đặt trên tàu ngầm không mang đầu đạn hạt nhân, đến sự ổn định chiến lược, đồng thời quy định các loại vũ khí tiến công chiến lược chỉ được bố trí trên lãnh thổ của một trong hai nước ký hiệp ước.

Hiệp ước mới không được áp dụng trong quan hệ hợp tác thuộc lĩnh vực vũ khí tiến công chiến lược giữa một trong hai bên ký hiệp ước với nước thứ ba. Hiệp ước mới được ký với thời hạn 10 năm. Hai tổng thống giao cho hai đoàn đàm phán trong thời gian tới soạn thảo xong hiệp ước mới để hai nước có thể ký kết và thông qua.

Hai Tổng thống Medvedev và Obama cũng đã thông qua Tuyên bố chung về Afghanistan. Tuyên bố nhấn mạnh Nga và Mỹ thỏa thuận phối hợp hành động và kiên định với cuộc đấu tranh chung nhằm giáng trả các nguy cơ khủng bố, hành động vũ trang cực đoan và buôn bán ma túy tại Afghanistan.

Tuyên bố khẳng định sự cần thiết phải tăng cường đấu tranh chống tình trạng buôn bán ma túy, tham nhũng, các hình thức tội phạm có tổ chức, bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống mới và bầu cử chính quyền các cấp tại Afghanistan.

Tuyên bố nêu rõ Nga và Mỹ cho rằng cần phải tăng cường và củng cố hoạt động phối hợp giữa Afghanistan và Pakistan trong cuộc đấu tranh chống những nguy cơ chung của hai nước này gồm hoạt động khủng bố, cực đoan và buôn bán ma túy.

Tuyên bố xác nhận Nga và Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán về khả năng hợp tác thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung và hợp tác trong việc đáp trả những thách thức về phổ biến tên lửa đạn đạo. Đồng thời, Nga và Mỹ sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi với các nước hữu quan trong việc giáng trả nguy cơ phổ biến các tên lửa đạn đạo trên toàn cầu. Nga và Mỹ kêu gọi tất cả các nước sở hữu tên lửa không có những hành động có thể góp phần phổ biến tên lửa, phá vỡ sự ổn định khu vực và toàn cầu.

Hai Tổng thống Medvedev và Obama thỏa thuận góp phần để đưa vào thực hiện hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cũng như thực hiện các chương trình về nhiên liệu urani.

Hai Tổng thống Medvedev và Obama đã chứng kiến lễ ký Hiệp định liên chính phủ về vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ Liên bang Nga vũ khí, kỹ thuật và tài sản quân sự, binh lính trong bối cảnh các lực lượng Mỹ tham gia những nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh, ổn định và khôi phục Afghanistan; Văn kiện khung về phát triển hợp tác giữa các lực lượng vũ trang Nga và Mỹ; Nghị định thư về vạch kế hoạch công tác nhằm hoàn thiện sự hợp tác quân sự giữa các lực lượng vũ trang hai nước năm 2009.

Hai bên quyết định thành lập Ủy ban Nga-Mỹ về phát triển hợp tác gồm 13 nhóm công tác. Hai bên cũng đã ký Nghị định thư giữa bộ y tế hai nước và trao đổi Công hàm về Ủy ban tù binh chiến tranh (POW) Nga-Mỹ nhằm hỗ trợ tìm kiếm những quân nhân mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục