Ngăn chặn dòng người tị nạn không giúp chống khủng bố?

Nghiên cứu xâu chuỗi mọi chuyện cho thấy việc chặn dòng người tị nạn không ngăn được các phần tử khủng bố, và thậm chí việc tiếp nhận họ có thể ngăn những người này đứng lên cầm vũ khí.
Ngăn chặn dòng người tị nạn không giúp chống khủng bố? ảnh 1Người di cư từ Liberia, Maroc, Pakistan, Sri Lanka và Sudan tại khu vực Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 19/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền Pháp vừa thông báo rằng một quyển hộ chiếu của người tị nạn Syria được tìm thấy bên cạnh thi thể của một trong những kẻ đánh bom tự sát ở Paris hôm 13/11. Dấu vân tay trong quyển hộ chiếu trùng khớp với hồ sơ, nhưng cũng có thể đây là “đồ giả.”

Sau đó, Mỹ đã có phản ứng rất nhanh chóng. 25 Thống đốc bang ở Mỹ đã ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn người tị nạn Syria, cho dù Mỹ đã cam kết tiếp nhận 10.000 người chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở nước này.

Điều này làm dấy lên câu hỏi về đạo đức: có phải người Mỹ đáng được hưởng sự bình yên hơn việc người tị nạn Syria đáng được hưởng sự an toàn?

Một câu hỏi mang tính thực tế hơn: liệu việc chặn dòng người tị nạn Syria sẽ ngăn được khủng bố hay không? Nếu nhìn nhận ở góc độ hạn hẹp, câu trả lời là “Có.”

Việc tạm ngừng tiếp nhận người tị nạn Syria sẽ ngăn chặn các nhóm nhỏ các phần tử khủng bố - những kẻ đóng giả làm người tị nạn Syria. Còn nếu nhìn nhận ở góc độ lớn hơn, thì câu trả lời lại là “Không.”

Nghiên cứu xâu chuỗi mọi chuyện cho thấy việc chặn dòng người tị nạn không ngăn được các phần tử khủng bố, và thậm chí việc tiếp nhận họ có thể ngăn những người này - hoặc con cái họ - đứng lên cầm vũ khí.

Lý do chính ở đây đó là bộ máy quan liêu của Mỹ. Việc nhập cư vào Mỹ là vô cùng khó khăn. Theo trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, thời gian chờ trung bình để được giải quyết đơn xin tị nạn là từ 1 năm tới 18 tháng. Đối với những người tị nạn từ Trung Đông, thời gian chờ còn kéo dài hơn. Những người từ khu vực này, nếu phải đối mặt với xung đột, thường thiếu các giấy tờ cần thiết. Điều này khiến việc kiểm tra lý lịch trở nên khó khăn. Và một khi nghi ngờ trường hợp nào, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thường từ chối đơn xin tị nạn.

Quy trình giải quyết đơn xin tị nạn ở Mỹ kéo dài và rất kỹ lưỡng, bởi vậy đây là con đường kém hiệu quả nhất để một phần tử khủng bố thâm nhập Mỹ.

Anne Speckhard - Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Chủ nghĩa Bạo lực Cực đoan - nói: “Tại sao bọn khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại phải ngồi đợi tới 3 năm để xin tị nạn tại Mỹ, trong khi chúng có thể trở thành công dân châu Âu và bay tới đây mà không cần xin visa và sau đó sinh sống ngay tại đây? Hoặc chúng có thể bay tới Mexico và tràn qua biên giới và đây là cách nhanh hơn con đường xin quy chế tị nạn.”

Thượng nghị sỹ Marco Rubio, người cũng là ứng cử viên Tổng thống, phát biểu hôm 16/11, rằng: “Bạn có thể để 1.000 người vào đây, và 999 người trong số đó là những người nghèo chạy trốn khỏi áp bức và bạo lực. Nhưng chỉ có một trong số đó là tay súng IS - thì trong trường hợp này, bạn đã gặp rắc rối lớn.”

Các nhà tâm thần học, các nhà tâm lý học và các chuyên gia về xung đột, những người nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố đa phần cho rằng những kẻ trở thành các phần tử khủng bố bởi các lý do khác nhau.

Speckhard - người cũng là tác giả cuốn “Trò chuyện với bọn khủng bố” (trong đó phỏng vấn hơn 400 tên) - nói: “Nếu bạn muốn biết lý do dẫn tới hành động khủng bố, thì bạn phải xét tới bối cảnh. Nếu hắn ta là người Maroc, thì lý do là do hắn sống trong một xã hội không thực sự đón nhận hắn và hắn muốn làm một điều gì đó khiến hắn cảm thấy mình có giá trị. Còn nếu hắn là người Chechnya, lý do tiến hành tấn công khủng bố của hắn có thể là do bị sốc và muốn trả thù."

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu miêu tả bọn khủng bố là những người bị tổn thương, bị gạt ra ngoài lề xã hội, đang đi tìm kiếm sự công bằng, bản sắc hoặc ý nghĩa cuộc sống của chúng. Nếu theo cách giải thích này thì Rubio đã sai. Vấn đề ở đây là những từ ngữ này có thể được dùng cho hầu hết những người tị nạn, và đa phần những người tị nạn thì không phải kẻ khủng bố.

Theo Cơ quan Dân số, Tị nạn và Nhập cư, trong số 3 triệu người tị nạn được tiếp nhận vào Mỹ từ năm 1975 (785.000 người kể từ vụ 11/9), chỉ có khoảng một chục người bị bắt hoặc trục xuất vì lý do an ninh. Như vậy, sự suy diễn rộng là không chính xác.

Rochelle Davis, một nhà nhân chủng học-văn hóa tại Đại học Georgetown (Mỹ) nghiên cứu về người tị nạn Trung Đông, đã đề cập đến các vụ xả súng ở Mỹ. Những kẻ chủ mưu có thể có hồ sơ lý lịch tương tự, nhưng những điểm tương đồng này không đáng kể nếu so sánh với những thanh niên bất mãn, khó gần, có vấn đề về thần kinh nhưng không hề sử dụng súng hoặc bom.

Bà nói: “Chúng ta có thể tìm cách lý giải, nhưng đa phần mỗi người lại là một trường hợp ngoại lệ.”

Bọn khủng bố, hay ít nhất là những kẻ cuồng tín bị thu hút bởi IS, Al-Shabaab hay al-Qaeda, thường tới từ những cộng đồng bị gạt ra ngoài lề.

Simond de Galbert - Giáo sưu thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nói: “Nếu nhìn vào vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, những cá nhân này không phải người di cư hay người tị nạn. Họ là những công dân Pháp, con, cháu hoặc chắt những người di cư tới Pháp.”

Cộng đồng Hồi giáo bị châu Âu gạt ra ngoài lề có nguồn gốc từ những người được đưa tới Pháp để làm lao động khổ sai (bởi tỷ lệ sinh của lục địa châu Âu là rất thấp). Giải thích đơn giản nhất đó là bất ổn hiện nay là do cả hai phía châu Âu và người nhập cư không muốn chấp nhận văn hóa của nhau.

Thực tế là nếu một hoặc nhiều trong số những kẻ tấn công ở Paris thực sự là người tị nạn Syria đi chăng nữa, thì việc này cũng không liên quan đến cách Mỹ quyết định chính sách nhập cư. Trên thực tế, làm như vậy sẽ chỉ khiến những gì các phần tử khủng bố mong muốn sẽ thành sự thật – đó là mong muốn Mỹ đóng sập cánh cửa và để IS tiếp tục hành hạ hàng triệu người Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục