Ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030

Người đứng đầu UNCCD, vừa kêu gọi thế giới ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm tránh thất thoát đất nông nghiệp.
Ông Luc Gnacadja, người đứng đầu Công ước Liên hợp quốc về Chống Sa mạc hóa (UNCCD), vừa kêu gọi thế giới phải đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm tránh thất thoát đất nông nghiệp hàng năm, với diện tích gấp ba lần lãnh thổ Thụy Sĩ.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của UNCCD ở Bonn, Đức, ông Gnacadja nhấn mạnh rằng các vùng đất khô cằn ngày càng mở rộng cùng với tình trạng biến đổi khí hậu đang thách thức thế giới. Những vùng đất khô hạn - từ các sa mạc như Sahara ở châu Phi đến các vùng đất trồng trọt ở Trung Á và Mỹ hoặc nhiều cánh đồng rộng lớn ở Australia - chiếm tới 41% diện tích đất của thế giới. Nhiều vùng khác trên thế giới cũng đang ngày càng trở nên khô hạn hơn.

Ông Gnacadja cho hay UNCCD hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới - dự kiến sẽ gặp nhau ở Rio de Janeiro, Brazil, vào giữa năm 2012 tại "Hội nghị Trái đất" diễn ra 10 năm một lần - sẽ đặt mục tiêu ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa vào năm 2030 nhằm giúp giảm nghèo và duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Gnacadja, hàng năm thế giới có tới 12 triệu ha đất bị suy thoái thành đất khô cằn. Những vùng đất được khôi phục khả năng trồng trọt lại ít hơn nhiều, có nghĩa là mức thất thoát ròng diện tích đất nông nghiệp hàng năm là rất lớn. Ông Gnacadja tính toán 12 triệu ha bị sa mạc hóa nói trên có thể cho sản lượng ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng sa mạc hóa hoặc tình trạng suy thoái thành đất khô cằn đang ảnh hưởng đến 3,6 tỷ ha đất nông nghiệp trên thế giới và đe dọa kế sinh nhai của hơn 1 tỷ người ở khoảng 100 quốc gia.

Ông Gnacadja nói rằng các vấn đề sa mạc hóa vẫn là những điều "mù mờ" đối với các chính phủ trên thế giới, đồng thời hối thúc các nước tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Theo ông, các chính phủ cần phải có chính sách khuyến khích giúp nông dân lưu giữ cácbon trong đất và mở rộng các chương trình của Liên hợp quốc nhằm làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách bảo tồn rừng./.

Vân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục