"Ngăn chặn triệt để hành vi biến tướng trong lễ hội"

Tình trạng lãng phí, biến tướng tại các lễ hội, ảnh hưởng nguy hại từ game online nội dung bạo lực là vấn đề được các đại biểu chất vấn kỹ.
Chiều 11/6, phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII tiếp tục với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Hơn 20 ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng đối đáp thẳng thắn về trách nhiệm của Bộ đối với tình trạng lãng phí, biến tướng tại các lễ hội; những biểu hiện tha hóa về đạo đức, lối sống và những tồn tại trong quản lý dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online).

Game online bạo lực tác động không khác gì ma túy

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) đề nghị bộ trưởng giải trình những biện pháp của ngành trước thực trạng sự thoái hóa, xuống cấp đạo đức của một bộ phận nhỏ dân cư ,nhất là do tác động từ những ấn phẩm văn hóa có nội dung xấu, các trò chơi bạo lực là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của một bộ phận thanh thiếu niên.

Cũng bức xúc trước những ảnh hưởng nguy hại từ game online nội dung bạo lực, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng, đây vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, đại biểu Mai đề nghị Bộ trưởng xem xét lại công tác kiểm tra đầu vào, quy trình xét duyệt của các bộ, ngành và cơ quan chức năng.

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, văn hóa của chúng ta bị tác động bởi nhiều yếu tố trong đó có cả những mặt tích cực và cả tiêu cực. Bên cạnh đó, do nhận thức còn hạn chế nên một bộ phận người dân đã bị tác động bởi lối sống thực dụng, làm vẩn đục môi trường văn hóa, băng hoại đạo đức.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục về văn hóa, đạo đức lối sống chưa thực sự được làm tốt ở các cấp, các ngành và cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hệ thống các văn bản pháp quy, chế tài xử phạt các vi phạm văn hóa chưa phù hợp. Những nguyên nhân này đã làm xuất hiện một số biểu hiện sai phạm về tư tưởng và đạo đức và các hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận thanh thiếu niên.

Về giải pháp xử lý những tồn tại này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, cần tăng cường giáo dục pháp luật ngay trong nhà trường, cơ quan, đơn vị, lên án, phê phán mạnh mẽ các hành vi phi đạo đức, làm băng hoại đạo đức. Cần xác định nhà trường, gia đình, xã hội có vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức xã hội.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm duyệt sản phẩm văn hóa độc hại, các hiện tượng ''xâm lăng'' văn hóa. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan và sẽ phải kiên quyết làm bằng được, nhất là game online, ấn phẩm văn hóa, các chương trình truyền hình…

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, việc quản lý dịch vụ game online có trách nhiệm của hai bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông. Hai bộ cũng đã nắm bắt được những nguy hại, ảnh hưởng xấu từ loại hình này và đang tiếp tục phối hợp để ban hành những văn bản liên tịch điều chỉnh cho phù hợp.

Giải trình thêm trước Quốc hội về trách nhiệm của Bộ đối với công tác quản lý các hoạt động game online, đại lý Internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Lê Doãn Hợp cho biết, bộ đã ra văn bản thành lập các đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra đồng loạt các đại lý Internet trên toàn quốc và qua đó, đã kiểm tra xử lý 145 đại lý vi phạm.

Bộ cũng đang tiến kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, cung cấp những trò chơi game online để sau quá trình kiểm tra sẽ đề ra những giải pháp và ban hành các quy định quản lý sát với tình hình thực tiễn.

Phân tích thêm các tác động của game online đối với những hành vi bạo lực của học sinh tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua, có hiện tượng một số học sinh đánh nhau. Hành vi này của các em chủ yếu đều dựa trên các hình mẫu là những trò chơi qua mạng. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, trong số các trò chơi qua mạng thì 77% là bạo lực; 9% là cờ bạc, 14% là bóng đá, múa và đua xe.

Khi các em tham gia trò chơi có thể đánh, bắn giết người mà không có một chế tài nào. Chúng ta cũng chưa có quy định xếp hạng trò chơi theo lứa tuổi. Gần như 100% các quán game online tại Hà Nội đều cung cấp đồ ăn, các em có thể chơi game và mua đồ ăn tại chỗ. Trong vấn đề này, trách nhiệm gia đình rất quan trọng vì hầu hết các em chơi game bằng tiền bố mẹ cho, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về công tác quản lý dịch vụ game online, đại biểu Phạm Phương Thảo (TP.Hồ Chí Minh) “truy “tiếp: Game online gây tác hại rất lớn đối với thế hệ trẻ, làm suy giảm chất lượng học tập, tăng tính bạo lực, hoạt động băng nhóm. Tác hại của loại trò chơi này không kém rượu, bia, thuốc lá thậm chí tương đương ma túy.

Đại biểu Thảo hỏi thẳng: "Bộ trưởng có biết nội dung các trò game online hiện nay không? Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề này như thế nào?"

Cho rằng liên quan đến game online, trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông là rất lớn, đại biểu Phạm Phương Thảo hỏi luôn Bộ trưởng Lê Doãn Hợp việc quản lý, cấp phép đại lý internet thời gian qua còn nhiều tồn tại, chế tài xử phạt còn quá nhẹ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Phương Thảo, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết, bộ đang cùng phối hợp với Bộ Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất ban hành thông tư với các nội dung 3 quản một nâng bao gồm quản lý giờ chơi, người chơi, nội dung chơi. Đặc biệt là có quy định trong giờ học cấm học sinh phổ thông chơi game online. Văn bản mới cũng sẽ nâng mức xử phạt đủ sức răn đe.

Bộ cũng đang chỉ đạo quyết liệt sản xuất game trong nước với nội dung lành mạnh, giáo dục truyền thống lịch sử như Thánh gióng, Chú Cuội… Bộ sẽ cố găng để bức xúc này của Quốc hội sẽ giảm dần, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

Các lễ hội có tác dụng tốt trong quảng bá hình ảnh Việt Nam


Một nội dung quan trọng khác, được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trong phiên họp chiều 11/6 là việc lãng phí, những biến tướng trong các hoạt động lễ hội của cả nước trong thời gian qua và những tồn tại trong công tác quản lý văn hóa.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn thẳng: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với trách nhiệm là người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng đã xử lý bao nhiêu việc vi phạm nhằm chấn chỉnh biểu hiện sai trái, gây phản cảm trong hoạt động văn hóa?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thành thật: "Còn 3 tháng nữa là tròn 3 năm tôi làm bộ trưởng. Tôi đang chỉ đạo xử lý thu hồi 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; quyết định đình bản 2 lần việc quảng cáo không đúng nội dung và xử lý một số ca sỹ hát những ca khúc không được cho phép."

Đại biểu Lê Như Tiến “vặn” tiếp việc thu hồi các quyết định do chính bộ cấp thì trách nhiệm thuộc về ai?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, nguyên nhân thu hồi các quyết định, giấy phép này là do nghiên cứu không kỹ, không sát. Như việc thu hồi quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Văn bản trình từ địa phương đưa lên có cả ý kiến các cơ quan hữu quan cùng tham gia…

Đây cũng là bệnh quan liêu, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ, xin nhận khuyết điểm và sửa chữa để lần sau không còn những quyết định như thế nữa, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hỏi, dư luận bất bình về việc tổ chức lễ hội tràn lan ở địa phương, chủ yếu để lập kỷ lục Guiness, quảng bá thương hiệu, nhiều lễ hội bị dân gian biến dạng. Có lễ hội mới phát sinh, lễ hội Đền Hùng thì làm bánh chưng hỏng, lễ hội Bà Chúa kho thì khuyến khích mê tín, lễ hội Đền Trần thì chen lấn xô đẩy... Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, nhiều nơi cần phải đầu tư, trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời, về việc biến tướng, mê tín dị đoan tại các lễ hội, bộ đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến vấn đề này như việc lập chùa giả ở chùa Hương, đóng Thánh con; phát đồ lễ, mỗi gói 20.000-30.000 đồng... Bộ trưởng khẳng định, trách nhiệm của chính quyền là chỉ đạo và tổ chức lễ hội; xã hội hóa tổ chức lễ hội nhưng không buông lỏng công tác quản lý.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân tích, lễ hội bao gồm lễ và hội. Năm 2010, Việt Nam có nhiều ngày kỷ niệm lớn, đây cũng là dịp để giáo dục giá trị truyền thống, truyền tải lịch sử đất nước đến với các thế hệ trẻ, để tìm về cội nguồn... để các thế hệ sau hiểu được truyền thống của cha anh trên quê hương.

Tuy nhiên, cần nâng cao nhận thức các cấp về vị trí, vai trò của lễ hội đối với đời sống, đổi mới cách tuyên truyền giáo dục và cách tổ chức kinh doanh dịch vụ đi kèm. Tránh triệt để việc mua bán kiểu “chặt chém” ở các lễ hội. Đổi mới vấn đề quản lý lễ hội theo hướng Nhà nước đứng ra điều hành, quản lý. Bộ sẽ tiến hành kiểm kê, phân loại các lễ hội, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm mùa lễ hội.

Cái được lớn nhất của lễ hội là việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần, các lễ hội này, hầu hết kinh phí toàn bộ đều là xã hội hóa chứ không phải là Nhà nước bỏ tiền tổ chức. Trên thực tế, các hoạt động lễ hội thu hút rất đông khách du lịch quốc tế như lễ hội pháo hoa, festival Huế, lễ hội trái cây, lễ hội biển…Bộ trưởng dẫn chứng.

Chưa đồng tình với phần trả lời của bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh hỏi tiếp: Mọi người đều nhận thấy mặt tích cực của lễ hội, nhưng mặt trái của nó vẫn tràn lan trong khi nhiều nơi còn khó khăn, cần đầu tư?

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: "Đúng là có vấn đề lãng phí trong tổ chức lễ hội, nhưng quy trình tổ chức lễ hội là vấn đề đã được phân cấp tại địa phương. Nhưng chúng ta không nên chỉ nhìn vào nhữung mặt tồn tại mà phủ nhận những hiệu quả của lễ hội."

Về vấn đề này, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ trong công tác quản lý, tổ chức sao cho hiệu quả, tránh lãng phí…

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, xung quanh vấn đề lễ hội, chúng ta khuyến khích phát triển lễ hội lành mạnh góp phần quảng bá, tôn vinh văn hóa dân tộc nhưng cần cảnh báo, ngăn chặn kịp thời những hành vi biến tướng, mê tín, dị đoan bởi lễ hội là nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Trên thực tế lễ hội nào nhân dân cũng đến dự gia đông đảo, tự nguyện đóng góp tiền của tham gia. Vấn đề làm sao tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức truyền thống văn hóa dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, Chủ tịch nhấn mạnh./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục