Ngân hàng ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 11.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch, việc tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông sẽ giúp Ngân hàng ACB đáp ứng tốt các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, nâng cao năng lực tài chính.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/4 đã thông qua tờ trình phương án năm 2017, dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, việc tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông sẽ giúp Ngân hàng ACB đáp ứng tốt các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, nâng cao năng lực tài chính; đồng thời cho phép tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng ACB có thêm nguồn vốn để đầu tư vào các giải pháp nâng cao hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro...

Về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2017, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, cho biết Ngân hàng ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; lợi nhuận trước thuế ở mức 2.205 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Trong quản lý rủi ro, Ngân hàng đang hoàn thiện và từng bước triển khai áp dụng các tiêu chuẩn về vốn quy định tại Hiệp ước Basel II theo lộ trình hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ngân hàng ACB sẽ tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực khoa học công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ... Cùng với đó, Ngân hàng tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ khách hàng và nâng cao năng lực hoạt động của các công ty thành viên.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông, tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của Ngân hàng ACB tăng 16% so với đầu năm; dư nợ cho vay tăng 21%. Riêng tỷ lệ nợ xấu là 0,88%; giảm so với mức 1,3% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, Ngân hàng ACB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; dự kiến sẽ tiếp tục giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận dùng mua cổ phiếu thưởng nhân viên.

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Ngân hàng ACB, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá thực tế nợ xấu hệ thống ngân hàng dưới 3%, nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro nên tỷ lệ này có thể gia tăng. Do đó, Ngân hàng ACB cần phải kiểm soát hiệu quả các khoản nợ tái cơ cấu, khoản đầu tư trái phiếu...

Ngoài ra, Ngân hàng ACB cần xây dựng kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020 để trình Ngân hàng Nhà nước. Việc tái cơ cấu phải có lộ trình cụ thể, đặc biệt là kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục