Ngân hàng Canada mở rộng hoạt động ở nước ngoài

Ngân hàng Montreal (BMO) đã mở một văn phòng đại diện tại UAE để giám sát các dịch vụ đầu tư ngân hàng và quản lý tài sản cho khách.
Theo báo Bưu điện tài chính, Ngân hàng Montreal (BMO) đang mở rộng hoạt động tại Trung Đông khi khai trương một văn phòng đại diện tại Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) để giám sát các dịch vụ đầu tư ngân hàng và quản lý tài sản cho các khách hàng của BMO.

Văn phòng đại diện tại Abu Dhabi đang khiến BMO trở thành ngân hàng đầu tiên của Canada có văn phòng đại diện tại thủ đô của UAE. Một số ngân hàng Canada khác đang có những quan hệ nghiệp vụ ngân hàng khắp Trung Đông, như Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) đang có một văn phòng đại diện quản lý tài sản tại Dubai, thành phố lớn nhất của UAE.

Tổng giám đốc của BMO Bill Downe cho biết Ngân hàng có giá trị tài sản lớn thứ tư Canada này đã hoạt động tại Trung Đông trong gần nửa thế kỷ và đang tìm cách củng cố vị thế.

Trung Đông hiện được coi là một thị trường đầu tư ngày càng phát triển. Ông William Smith, người phụ trách các khu vực châu Âu và Trung Đông của BMO, ước tính rằng thị trường cho các dịch vụ quản lý đầu tư tại Trung Đông hiện lên tới hơn 2.000 tỷ USD.

Động thái trên của BMO được đưa ra sau khi các ngân hàng Canada tìm cách lập các văn phòng đại diện trên khắp thế giới. Ngân hàng Nova Scotia và RBC đang tìm kiếm giấy phép để mở các văn phòng đại diện tại Cuba, với hy vọng chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Cuba mở cửa ngành ngân hàng cho các tổ chức cho vay nước ngoài trong tương lai.

Trước đó RBC đã tuyên bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại châu Á, với trọng tâm là ngành quản lý tài sản để tận dụng sự phồn vinh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên RBC, ngân hàng lớn nhất Canada, đang gặp khó khăn trong việc mua lại doanh nghiệp trong ngành quản lý tài sản tại châu Á do các ngân hàng châu Âu, dù đang gặp khó khăn, cũng không muốn bán số tài sản này vì tin rằng Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ bảo vệ sự tăng trưởng của họ.

Các nhà phân tích cho rằng ngành quản lý tài sản, dù đang gặp khó khăn do lãi suất thấp, nhưng đang mang lại thu nhập cao cho các ngân hàng mà không phải gắn với vốn.

RBC có thị phần quản lý tài sản lớn nhất trong số các ngân hàng Canada. RBC hiện quản lý số tài sản trị giá 20 tỷ USD cho các khách hàng tại các thị trường đang nổi ở châu Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi./.

Thanh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục