Ngân hàng của BRICS có thể cung cấp viện trợ tái thiết cho Syria

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ xem xét việc cung cấp viện trợ tái thiết cho Syria và các nước bị chiến tranh tàn phá khác trên toàn thế giới.
Ngân hàng của BRICS có thể cung cấp viện trợ tái thiết cho Syria ảnh 1 Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin (giữa) và các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Phát triển mới (NDB), một ngân hàng phát triển đa phương được thành lập bởi các nước thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), sẽ xem xét việc cung cấp viện trợ tái thiết cho Syria và các nước bị chiến tranh tàn phá khác trên toàn thế giới.

Giám đốc vừa mới được bổ nhiệm của NDB, Kundapura Vaman Kamath trong bài phát biểu hôm 8/7 khẳng định ngân hàng này được thành lập với mục đích ban đầu là tập trung hỗ trợ cho các dự án phát triển tại các nước thành viên của BRICS, song ban giám đốc của NDB sẽ họp bàn để xem xét cơ hội tài trợ cho những quốc gia không phải là thành viên của khối, đặc biệt là các dự án tái thiết tại các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, chẳng hạn như Syria.

Người đứng đầu của NDB nói thêm ngân hàng này cũng có kế hoạch triển khai các dự án phát triển tại khu vực Trung Á bao gồm cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ vì tất cả ba thành viên BRICS đều có lợi ích địa chính trị trong khu vực này.

Ngân hàng NDB được thành lập bởi các nước BRICS để cạnh tranh với các tổ chức tiền tệ hiện nay là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhằm tạo ra một hệ thống tài chính độc lập để giảm sự lệ thuộc vào đồng USD.

Mùa hè năm ngoái, các nước thành viên BRICS đã nhất trí thành lập ngân hàng NDB để huy động các nguồn lực tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD.

Trung Quốc đóng góp số vốn lớn nhất với 41 tỷ USD, Ấn Độ, Brazil và Nga mỗi nước đang dự tính sẽ tham gia 18 tỷ USD, trong khi Nam Phi sẽ cung cấp 5 tỷ USD.

Ngoài ra, các nước BRICS cũng lên kế hoạch sẽ huy động một quỹ tiền tệ dự trữ trị giá trên một 100 tỷ USD.

Các thành viên của BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục