Ngân hàng loay hoay giải bài toán "cây gậy" 13

Hiệp hội Ngân hàng cho biết nhiều ngân hàng không thể thực hiện được yêu cầu tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 9% từ 1/10.
Trong những ngày này, Thông tư 13/TT/NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/5/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những chủ đề "nóng" của giới ngân hàng.

Chính vì vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa ký văn bản số 120/HHNH gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc góp ý Thông tư 13. Góp ý này được tập hợp từ ý kiến của 14 ngân hàng và các công ty tài chính thành viên.

Không kịp nâng tỷ lệ an toàn vốn

Một trong những thay đổi lớn nhất của Thông tư là từ 1/10/2010, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng được nâng từ 8% lên 9%. Hiệp hội Ngân hàng cho biết nhiều ngân hàng không thể thực hiện được yêu cầu như Thông tư số 13 quy định.

Nguyên do là các ngân hàng phải có thời gian để điều chỉnh tài sản có rủi ro và phụ thuộc vào việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ.

Chưa kể, một số ngân hàng còn gặp phải vấn đề khó khăn là một số cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nhỏ cũng có ý định rút lui và không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm trong năm nay. Lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết sẽ giảm tỉ lệ sở hữu trong GiaDinh Bank từ 19% xuống còn khoảng 11% theo quy định. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vốn nắm giữ 11% cổ phần trong Navibank, cũng xem xét lại việc rót thêm vốn khi ngân hàng này phát hành tăng vốn...

Hồi đầu năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Đặng Văn Thành cũng xác nhận về kế hoạch ra đi của đối tác chiến lược ANZ đang sở hữu gần 10% vốn điều lệ trong ngân hàng, tương đương 67 triệu cổ phần của STB.

Ngay sau khi thông tư trên ban hành, thị trường chứng khoán cũng đã đón nhận những chuyển động liên quan đến việc chuẩn bị cho việc thực hiện quy định mới.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, Vietcombank đã thông báo bán 10 triệu cổ phiếu của Eximbank, lần đầu vào hồi đầu tháng 7 và lần thứ hai Vietcombank đăng ký bán từ ngày 13/8. Một trong những mục đích chính của hoạt động bán ra đó là nhằm cải thiện vốn tự có, chuẩn bị cho việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%.

Trong khi đó, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội cũng như đang ngồi trên đống lửa. Mấy tháng trước, một tập đoàn nhà nước hứa sẽ góp vốn và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này trong đợt tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, nhưng mới đây họ đã từ chối.

Vị Tổng giám đốc này đang “nhức đầu” vì bị Hội đồng quản trị giao chỉ tiêu là phải tìm người mua bằng được 25% vốn điều lệ mới của ngân hàng. Nhưng vấn đề bây giờ là ai mua và mua với giá bao nhiêu?

Bắt buộc phải huy động thêm vốn

Thông tư 13 quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động của các ngân hàng phải duy trì ở mức 80%.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đây là một tỷ lệ bình thường và ngân hàng nào cũng phải duy trì ở mức này, nhưng theo khoản 3 điều 18 của Thông tư, nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác. Trong khi những nguồn này thường chiếm đến 15% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Như vậy, nguồn vốn huy động để cho vay của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống. Một số ngân hàng đã cho vay vượt tỷ lệ này nên phải huy động thêm vốn.

Mặt khác, các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được xây dựng dựa trên nguồn vốn huy động của dân cư, do vậy ngân hàng buộc phải huy động thêm vốn để đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết mặc dù đã tăng lãi suất lên ngang bằng với các ngân hàng khác nhưng huy động của ngân hàng ông cũng không tăng được bao nhiêu. Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ càng làm cho nguồn vốn của các ngân hàng giảm nên chắc chắn lãi suất huy động không thể giảm được và lãi suất cho vay vì thế cũng khó giảm hơn.

Thêm vào đó, hệ số rủi ro của các khoản cho vay cũng tăng lên như cho vay chứng khoán, kể cả ứng trước tiền bán chứng khoán và cho vay bất động sản (không phân biệt đã có sản phẩm rồi hay có sản phẩm trong tương lai) đều ở mức 250%. Hiệp hội cho rằng, nếu theo thông tư thì hệ số an toàn vốn của ngân hàng sẽ bị giảm thấp xuống.

“Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đã đề xuất Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét lại những quy định chưa hợp lý trong Thông tư đồng thời gia hạn thời gian thực hiện thông tư trên cho các tổ chức tín dụng,” bà Hương nhấn mạnh./.

Minh Thúy (Việt Nam+)

Tin cùng chuyên mục