Ngân hàng Mỹ cấp dữ liệu cho cơ quan an ninh

Mỹ vừa thông qua một quy định cho phép các cơ quan cảnh sát nội địa và nước ngoài tìm kiếm thông tin dữ liệu từ các ngân hàng Mỹ.
Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN), một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, vừa thông qua một quy định cho phép các cơ quan cảnh sát nội địa và nước ngoài tìm kiếm thông tin dữ liệu từ các ngân hàng Mỹ, bất chấp sự phản đối của các nhóm công nghiệp.

Trên thực tế, quy định này chỉ là sự mở rộng của quy định đã được FinCEN thông qua sau vụ tấn công khủng bố nước Mỹ hồi tháng 9/2001.

Quy định ban đầu cho phép FinCEN yêu cầu tất cả các thể chế tài chính kiểm tra hồ sơ để xem liệu họ có duy trì các tài khoản hoặc giao dịch với các cá nhân bị nghi ngờ dính líu tới các hoạt động rửa tiền hoặc khủng bố. Quy định này hiện đã được mở rộng đối với các cơ quan thực thi pháp luật của nước ngoài.

FinCEN cho biết việc mở rộng quy định sẽ đáp ứng các nghĩa vụ hiệp ước với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đem lại lợi ích lớn cho Mỹ vì các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ cũng sẽ có các quyền tương tự để thu thập thông tin về các tài khoản đối chứng ở các nước thành viên EU.

EU đang xem xét thỏa thuận trên và dự kiến sẽ bỏ phiếu về vấn đề này vào ngày 11/2 tới.

Được thành lập năm 1990, FinCEN cung cấp và phân tích các thông tin tài chính và thi hành theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng, theo đó yêu cầu các thể chế tài chính phải trình báo cáo cho chính phủ nhằm ngăn chặn các hoạt động rửa tiền.

FinCEN bắt đầu xử lý các yêu cầu theo quy định cũ từ tháng 11/2002.

Tính đến tháng 6/2009, FinCEN đã xử lý 988 yêu cầu của 22 cơ quan liên bang. Trong số này, 302 trường hợp liên quan đến khủng bố hoặc tài trợ cho khủng bố và 686 vụ rửa tiền.

FinCEN cho biết 54% các yêu cầu đã dẫn tới các vụ bắt giữ hoặc kết tội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục