Ngân hàng Mỹ có thể trả lại tiền cứu trợ

Báo "The New Tork Times" ngày 12/3 cho biết, một số ngân hàng Mỹ đang xem xét khả năng trả lại tiền cứu trợ của chính phủ, do bị ép phải hạn chế quá nhiều hoạt động của mình.

Báo "The New Tork Times" ngày 12/3 cho biết, một số ngân hàng Mỹ đang xem xét khả năng trả lại tiền cứu trợ của chính phủ, do bị ép phải hạn chế quá nhiều hoạt động của mình.

Các tổ chức tài chính nhận tiền cứu trợ (của chính phủ) đã được yêu cầu điều chỉnh điều kiện cầm cố để giảm số nhà tịch biên, cho phép cổ đông thông qua các khoản chi cả gói dành cho các quan chức điều hành. Họ cũng được yêu cầu cắt giảm cổ tức, đình chỉ các chương trình huấn luyện nhân viên và hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài. Danh sách những đòi hỏi kiểu như trên đang ngày càng dài ra.

Trong bối cảnh dư luận ngày càng bức xúc trước những khoản cứu trợ khổng lồ dành cho các tổ chức tài chính, cả chính quyền của Tổng thống Barack Obama lẫn Quốc hội Mỹ cùng muốn gắn nhiều điều kiện vào các chương trình trợ giúp nhằm bảo vệ quyền lợi của người đóng thuế. Tuy nhiên, một số ngân hàng nói rằng những điều kiện ấy quá phiền hà, tới mức họ có thể phải trả lại các khoản tiền cứu trợ.

Trong số đó có TCF Financial Corporation (bang Minnesota), Iberia Bank (bang Louisiana) và thậm chí cả các định chế tài chính khổng lồ như Goldman Sachs và Wells Fargo. Những ngân hàng này nói rằng họ sẽ cố gắng hoàn lại tiền cho chính phủ liên bang càng sớm càng tốt, hoặc ngay sau khi các điều kiện gắn liền với tiền cứu trợ được chính thức công bố.

Ngân hàng Signature Bank of New York đã thông báo cho Bộ Tài chính Mỹ ý định hoàn trả khoản cứu trợ 120 triệu USD mà họ nhận từ chính phủ ba tháng trước, do có quá nhiều điều kiện đi cùng với khoản tiền này.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác như Johnson Bank ở bang Wisconsin trước đây có kế hoạch xin chính phủ trợ giúp, nhưng nay đã thay đổi ý kiến vì "không muốn cắt giảm vai trò của ngân hàng trong các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương".

Một trong những lo ngại lớn nhất của các ngân hàng là các khoản cứu trợ sẽ tạo điều kiện cho Quốc hội và Chính phủ Mỹ áp đặt thêm nhiều hạn chế mới đối với hoạt động của ngân hàng.

Một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính liên quan tới chương trình cứu trợ cho biết Chính phủ cố gắng không gây thiệt hại cho ngân hàng và sẽ có các chương trình ưu đãi tài chính để bù đắp cho việc điều chỉnh điều kiện cầm cố. Theo lời quan chức này, các điều kiện đi cùng với chương trình cứu trợ chỉ nhằm giúp ngân hàng thanh lý các khoản nợ của mình và hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính nhận định rằng chương trình trợ giúp của chính phủ tuy giúp tháo gỡ khó khăn của ngân hàng trong ngắn hạn, nhưng có thể làm cho ngân hàng thua lỗ nhiều hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục