Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất tiền gửi, cho vay giảm từ 19/11

Ngân hàng Nhà nước quy định tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất tiền gửi, cho vay giảm từ 19/11 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV)

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước tối ngày 18/11 cho hay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực kể từ ngày 19/11.

Cụ thể, Quyết định số 2415 ban hành ngày 18/11 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

[Ngân hàng tư nhân đầu tiên giảm 3,6% lãi suất cho vay mảng nông nghiệp]

Bên cạnh đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng Nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.

Đối với Quyết định số 2416 ban hành ngày 18/11 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng Nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.

Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý 3 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng Mười tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục