Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá ngoại tệ tăng là do yếu tố tâm lý

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 2 ngày vừa qua, nhu cầu mua, bán ngoại tệ với khách hàng không có gì đột biến, tỷ giá tăng là do yếu tố tâm lý.
Ngân hàng Nhà nước: Tỷ giá ngoại tệ tăng là do yếu tố tâm lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong mấy ngày nay, các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh tỷ giá, tại một số ngân hàng thì tỷ giá bán ra hiện đã ở mức 21.673 đồng/USD, tăng 63 đồng so với cách đây 1 tuần và đạt mức kịch trần cho phép.

Nên điều chỉnh nhỏ giọt

Theo đó, ngày 6/5, Vietcombank và VietinBank cùng giữ nguyên mức giá mua và bán ở mức 21.620-21.670 đồng/USD so với chốt phiên chiều qua. Trong khi, BIDV tăng 30 đồng ở giá mua vào và tăng 10 đồng ở giá bán ra, hiện ngân hàng này là niêm yết ở mức 21.630-21.670 đồng/USD. Tương tự, Agribank tăng 20 đồng ở giá mua lên 21.600 đồng/USD, đồng thời tăng 13 đồng ở giá bán lên 21.673 đồng/USD.

Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank không thay đổi tỷ giá USD của mình, hiện vẫn là 21.610-21.673 đồng/USD. Tương tự, ACB, Techcombank, LienVietPostBank đồng loạt niêm yết giá mua và bán đồng bạc xanh của mình ở 21.613-21.673 đồng/USD. Sacombank hiện niêm yết giá USD ở mức 21.610-21.673 đồng/USD, tăng 20 đồng ở giá mua và tăng 13 đồng ở giá bán so với ngày hôm qua.

Theo nhận định của các chuyên gia, quan hệ cung cầu về USD không có gì bất thường, mặc dù nhu cầu của khách hàng trong kỳ nghỉ lễ tăng lên gấp đôi so với các ngày trước đó. Tuy nhiên nguồn cung USD vẫn rất ổn định. Giải ngân FDI 4 tháng đầu năm là 4,2 tỷ USD, giải ngân ODA, kiều hối vẫn tăng đều đặn, do đó nguyên nhân của việc tăng tỷ giá là xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên nhân của tỷ giá tăng trong mấy ngày qua là do một số ngân hàng muốn chốt trạng thái của mình vào cuối quý 1 và cuối tháng Tư. Bên cạnh đó, do tỷ giá tăng trong tháng trước nên nhiều doanh nghiệp cũng muốn chốt trạng thái của mình nếu như trường hợp có điều chỉnh thì rủi ro đối với họ sẽ được giảm thiểu.

Dẫu vậy, ông Lực cũng cho rằng, việc giá USD đang áp sát giá trần như hiện nay cho thấy áp lực không hề nhỏ cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá, do vậy cần liên tục theo dõi diễn biến.

"Ngân hàng Nhà nước cũng nên xem xét nếu có điều chỉnh tỷ giá thì cũng nên điều chỉnh nhỏ giọt từ từ (0,25%-0,5%), để đảm bảo vẫn bám sát được thị trường và không tạo ra những cú số về tâm lý," ông Lực khuyến nghị.

Đồng quan điểm với ông Lực, chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi phân tích, đây đang là thời điểm tổng kết quý nên nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ đang tăng lên theo chu kỳ. Hơn nữa, 4 tháng đầu năm, nhập siêu khiến cán cân thương mại đang bị thâm hụt khoảng 3,7 tỷ USD.

Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, mặc dù áp lực điều chỉnh tỷ giá là vậy, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm ổn định tỷ giá với biên độ điều chỉnh 2% trong năm nay sẽ tạo niềm tin doanh nghiệp và khách hàng.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán để điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này. “Nếu Ngân hàng Nhà nước thấy việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết thì nên điều chỉnh 0,5%, không nên điều chỉnh 1%,” ông Hiếu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng còn có một số nguyên nhân khác mà các chuyên gia đưa ra như Vietcombank mua 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 - 10 năm bằng USD với lãi suất 4,8%. Đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một ngân hàng và với khối lượng lớn.

Ngoài ra, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia. Điều này cũng đã tác động lên tỷ giá về áp lực nguồn ngoại tệ của Chính phủ.

Chỉ là yếu tố tâm lý

Trong một báo cáo mới phát đi ngày 3/5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã đưa ra nhận định tỷ giá sẽ tăng hết biên độ 2% mà Ngân hàng Nhà nước định hướng trong năm nay.

Theo báo cáo của VEPR, sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD.

VEPR nhìn nhận, khả năng kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (khoảng 36,7 tỷ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ rơi vào cuối quý 4. Quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sang tháng Chín đã làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Về phía mình, chiều ngày 6/5, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng tốt và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhu cầu mua ngoại tệ của khách hàng tăng gần gấp đôi so với mức trung bình các ngày trước đó nhưng đều được đáp ứng đầy đủ và tỷ giá vẫn quanh mức 21.600 đồng/USD.

“Trong 2 ngày vừa qua, nhu cầu mua, bán ngoại tệ với khách hàng không có gì đột biến, tỷ giá tăng là do yếu tố tâm lý,” đại diện Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong tháng Tư, hệ thống tổ chức tín dụng đã mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được cải thiện đáng kể so với cuối tháng Ba./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục