Rục rịch tăng lãi suất

Ngân hàng nhỏ rục rịch tăng lãi suất ngắn hạn

Từ đầu tháng này, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô trung bình và nhỏ đã rục rịch tăng lên.
Cùng với đà tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài 12-36 tháng trong mấy tháng qua, từ đầu tháng này, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng rục rịch tăng lên.

Trước tháng 7, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 3 tháng phổ biến ở mức dưới 7%/năm, thậm chí chỉ từ 5%-6%/năm, tạo khoảng cách khá xa so với lãi suất các kỳ hạn dài. Nhưng nay, tất cả đều đã đồng loạt tăng, phổ biến ở mức trên 7%, thậm chí không ít ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vượt mức 8,5%.

Mới đây nhất, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) đã đẩy lãi suất huy động thường kỳ lên khá cao. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng được tăng lên tương ứng 8,2%/năm và 8,3%/năm. Các kỳ hạn 3 tháng đến 5 tháng cùng có mức lãi suất 8,5%/năm. Các kỳ hạn từ 6-11 tháng có lãi suất 8,8%-8,9%/năm. Mức lãi suất 9,1%/năm dành cho các kỳ hạn 12-15 tháng. Mức 9,3%/năm và 9,5%/năm dành cho kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng có sự điều chỉnh mạnh các lãi suất ngắn hạn tính từ đầu tháng 8. Ở ngân hàng này, lãi suất các kỳ hạn cực ngắn 1-3 tuần đã tăng rất mạnh, từ 0,3-0,8%/năm. Hiện kỳ hạn 3 tuần lên tới 7,5%/năm, kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng lần lượt là 8,2%, 8,3%, 8,4%/năm.

HDBank cũng đã đẩy lãi suất kỳ hạn 3 tuần lên đến đến 7,6%. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tăng ở hầu hết các kỳ hạn gửi với mức tăng dao động từ 0,05-0,25%/năm. Với biểu lãi mới này, mức lãi suất tiết kiệm dành tiền đồng cho khách hàng cá nhân tại SHB thấp nhất là 8,2%/năm với kỳ hạn 1 tháng và cao nhất lên tới 9,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Thông thường, lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn tăng cao thường đi cùng với lo ngại về áp lực thanh khoản. Trong nửa đầu năm 2008, khó khăn thanh khoản đã từng đẩy lãi suất các kỳ hạn ngắn leo thang, các kỳ hạn thậm chí được chia nhỏ theo từng ngày, lãi suất qua đêm căng thẳng…

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định mặt bằng lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng hiện nay không có gì đáng quan ngại. Tình hình thanh khoản của các ngân hàng vẫn tốt và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.

Việc tăng lãi suất của các kỳ hạn này không ảnh hưởng nhiều đến bài toán lợi nhuận của các ngân hàng, bởi cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng thương mại có đến 74% kỳ hạn dưới 1 năm, 26% là kỳ hạn 1 năm đến 5 năm, trong đó loại 5 năm chưa được 5%. Điều đó cho thấy, trước khi tăng lãi suất, các ngân hàng cũng đã tính toán kỹ bài toán lãi suất để đảm bảo lợi nhuận, lãi suất bình quân đầu vào là bao nhiêu, lãi suất bình quân đầu ra là bao nhiêu trong bối cảnh lãi suất cơ bản ở mức 7%/năm (tức là lãi suất cho vay tối đa chỉ ở mức 10,5%/năm).

Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất chỉ xảy ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô trung bình và nhỏ, trong khi nếu theo dõi kỹ, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng lớn hầu như không thay đổi. Điều đó cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động không có gì đáng quan ngại.

Tại Hội nghị Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại bàn về công tác tín dụng và đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng phương án tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm đảm bảo cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét kỹ những ngân hàng tăng lãi suất huy động đột biến để có biện pháp xử lý thích hợp./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục