Ngân hàng "sống khỏe"

Ngân hàng nội "sống khỏe" bất chấp khủng hoảng

Lãi thực tế trong 8 tháng đầu năm vừa được nhiều ngân hàng công bố cho thấy các nhà băng vẫn đang “sống khỏe” cho dù nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn.
Cho dù kế hoạch lợi nhuận năm nay khá khiêm khiêm tốn, nhưng lãi thực tế trong 8 tháng đầu năm vừa được nhiều ngân hàng công bố cho thấy các nhà băng vẫn đang “sống khỏe” cho dù nền kinh tế chung gặp nhiều khó khăn.

Lợi nhuận ấn tượng


Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo đạt gần 1.180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 8 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ lãi suất chiếm 64%, còn lại là thu từ dịch vụ và thu nhập khác.

Riêng trong tháng 8, Sacombank đạt gần 140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính và rủi ro tín dụng (chưa bao gồm lợi nhuận từ các công ty trực thuộc).

Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) thông báo đạt 372 tỷ đồng lợi nhuận sau 8 tháng, bằng 80% kế hoạch cả năm. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đạt lợi nhuận trước thuế là 1.054 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 60.000 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), lợi nhuận đạt hơn 430 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 28%; tổng tài sản là 46.800 tỷ đồng, tăng 35% so với ngày 31/12/2008.

Tính đến ngày 31/8, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) đạt lợi nhuận trước thuế tăng 2,44 lần so với cùng kỳ năm 2008 và đã vượt khoảng 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm nay. (kế hoạch 600 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2009).

Còn Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết cùng với những tín hiệu tốt của sự phục hồi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, ACB và các đơn vị đang hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng đang có điều kiện thuận lợi để đạt được những mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng các ngân hàng cũng được hưởng lợi nhiều từ chương trình kích cầu của Chính phủ.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, vàng và ngoại tệ cũng mang lại nguồn thu không nhỏ. Tuy vậy, lãnh đạo một số ngân hàng lại cho rằng, mức lợi nhuận ấn tượng trên sẽ khó duy trì vì từ nay tới cuối năm mới là thời điểm khó khăn của họ.

Khó khăn vẫn còn

Việc Ngân hàng Nhà nước không còn khống chế tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức từ 25 - 27% là một tín hiệu mừng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất trần sẽ khiến các ngân hàng có lợi nhuận chủ yếu từ tín dụng sẽ gặp khó khăn.

Phó Tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho rằng: ngân hàng có nguồn thu chính từ tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn, lãi suất trần vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên trong khi lãi suất huy động lại đang tăng nhanh chóng. Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra đang thu hẹp dần, hiện lãi suất huy động phổ biến trên 8%, trong khi đó lãi suất cho vay tối đa vẫn là 10,5%.

Hơn nữa, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất sắp kết thúc, các ngân hàng cũng không thể ồ ạt bơm vốn ra.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam đến ngày 10/9 là hơn 401.030 tỷ đồng; so với ngày 3/9, số dư nợ cho vay chỉ tăng hơn1.290 tỷ đồng (tương đương tăng 0,32%).

Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng “nóng” như trong 6 tháng đầu năm sẽ không thể lặp lại trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng. Từ ngày 1/8, lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước đã giảm từ 3,6%/năm xuống còn 1,2%/năm, điều này cũng khiến các ngân hàng bị giảm bớt một nguồn thu.

Một yếu tố khác nữa có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng, đó là tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đã giảm từ 40% xuống còn 30%.

Tuy nhiên, “đối với các ngân hàng có nguồn thu từ tín dụng không phải là chủ lực, vẫn có cơ hội phát triển tốt”, ông Toại nhận định.

Theo ông Toại, ngoài lợi nhuận từ tín dụng, trong những năm gần đây, ACB đã đẩy mạnh từ các nguồn thu khác như từ dịch vụ, đầu tư, kinh doanh giúp ngân hàng giảm bớt phụ thuộc lợi nhuận từ tín dụng.

Nhiều ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh thu từ dịch vụ như Ngân hàng Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), nguồn thu từ tín dụng đã giảm từ 70% xuống còn 50%.

Một số ngân hàng đẩy mạnh các dịch vụ khác như thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh để giảm bớt sự phụ thuộc của lợi nhuận vào tăng trưởng dư nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục