Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là tới 30/6, hạn chót để các ngân hàng thương mại trình phương án tăng vốn điều lệ lên Ngân hàng Nhà nước, nhằm đảm bảo vốn pháp định 3.000 tỷ đồng theo theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP.
Bên cạnh các ngân hàng đã ung dung hoàn tất việc tăng vốn trước hạn hoặc trình phương án tăng vốn điều lệ, cũng còn nhiều nhà băng đang loay hoay “đánh vật” với bài toán 3.000 tỷ, khi chỉ vừa mới đây còn mướt mồ hôi để "lên" 2.000 tỷ đồng.
Chạy nước rút
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay vẫn còn 22 ngân hàng thương mại cổ phần và một ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50%). Trong số này, hầu hết đều đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo yêu cầu vốn pháp định.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoài Quốc doanh (VPBank) cho biết: Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng vừa đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.117 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2010. Như vậy, vốn điều lệ cần tăng thêm trong năm nay là 1.882 tỷ đồng. Vốn điều lệ được chia thành 2 đợt: Đợt 1 tăng từ 2.117 tỷ đồng lên 2.456 tỷ đồng; đợt 2 từ 2.456 lên 4.000 tỷ đồng; dự kiến kết thúc chậm nhất vào ngày 30/12/2010.
Hiện tại VPBank có 3 cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu là Ngân hàng Oversea Chinese chiếm 14,88%; tổ chức tài chính Dragon 8,31% và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí toàn cầu 7,42%.
"Thời điểm này, chuyện tăng vốn điều lệ không còn là vấn đề lớn của ngân hàng nữa. VPBank tăng vốn bằng cách tính toán và chia nguồn tiền thặng dư. Nguồn tiền thặng dư chính là lợi nhuận từ các năm trước giờ lấy ra chia cho cổ đông," ông Hưng nói.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong tuy mới thành lập nhưng cũng không chịu "bó gối" khi đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ của mình từ 1.750 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, đợt 1 Tiên Phong Bank sẽ tăng thêm 250 tỷ đồng, từ 1.750 lên 2.000 tỷ đồng, bằng cách chia thưởng 25 triệu cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần vào ngày chốt danh sách cổ đông. Thời gian thực hiện từ 15/8 đến 30/10.
Tiếp đến đợt 2, ngân hàng tăng thêm 1.000 tỷ đồng, từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng bằng cách bán cho nhà đầu tư bên ngoài và cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến là quý III và quý IV của năm nay.
Không như hai ngân hàng chỉ mới dừng ở chuyện "kế hoạch", Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Bắc Á... đã hoàn tất việc tăng vốn từ trước đó một cách suôn sẻ. Mặc dù đều là những ngân hàng mới chuyển đổi, nhưng lãnh đạo các ngân hàng này đều đã có bước tính toán, chuẩn bị để đảm bảo đúng theo lộ trình tăng vốn mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Nhìn chung, phương án tăng vốn của các ngân hàng trên chủ yếu dựa vào nội lực của cổ đông hiện hữu, một số ít có “của để dành” từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và một số ít có thể dựa vào nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ.
Vẫn còn lắm gian nan
Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng có thể tạo một bước nhảy vọt như vậy. Theo khảo sát của Vietnam+, hiện cả thị trường còn khoảng 8 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng (Navibank, Western Bank, DaiA Bank, MeKong Bank, Ficombank, PG Bank, VietBank và GiaDinh Bank).
Sức ép tăng vốn càng lớn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khi cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán hiện đã giảm sâu và được dự báo không thể sớm cải thiện, do đó kế hoạch phát hành cổ phần tăng thêm vốn của các nhà băng theo kênh này không dễ dàng.
Cho dù giá cổ phiếu phát hành thêm của các ngân hàng chủ yếu được chào bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dường như các nhà đầu tư vẫn "lãnh cảm" với cổ phiếu ngân hàng. Vì thế, các nhà băng chỉ biết trông chờ vào cổ đông lớn.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị MeKong Bank cho biết: Ngân hàng sẽ sớm thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ theo lộ trình lên 3.000 tỷ đồng để có thêm điều kiện mở 20 điểm giao dịch mới trong năm nay. Hiện MeKong Bank có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với 634 cổ đông là các cá nhân và tổ chức tài chính. Trong số đó, cổ đông lớn của MeKong Bank là Maritime Bank đang nắm giữ 11% cổ phần. Nếu kể cả nhóm cổ đông lớn là các cá nhân của Maritime Bank thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại MeKong Bank lên đến con số 49%.
Trong kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Mekong Bank sẽ phát hành 20-30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Phần còn lại MeKong Bank sẽ bán cho cổ đông hiện hữu, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, VietBank - một trong những ngân hàng có vốn điều lệ còn nằm ở mức 1.000 tỷ đồng cho hay, sẽ đảm bảo vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước khi năm tài chính 2010 kết thúc bởi đã có các cổ đông lớn là Tập đoàn Hoa Lâm, ACB… hậu thuẫn.
Tuy nhiên, do kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng tài chính nên việc lựa chọn được cổ đông chiến lược tốt và tiềm năng thực sự đối với ngân hàng không phải là dễ trong lúc này. Vì thế, đại đa số các nhà băng chưa có cổ đông ngoại hiện đang phải đôn đáo tìm kiếm cơ hội gọi vốn. Còn các nhà băng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài tích cực hơn trong việc gia tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ cho nhà đầu tư ngoại.
Chưa kể, một số ngân hàng còn gặp phải vấn đề khó khăn là một số cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nhỏ cũng có ý định rút lui và không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm trong năm nay. Lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết sẽ giảm tỉ lệ sở hữu trong GiaDinh Bank từ 19% xuống còn khoảng 11% theo quy định. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vốn nắm giữ 11% cổ phần trong Navibank, cũng xem xét lại việc rót thêm vốn vào Navibank khi ngân hàng này phát hành tăng vốn...
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc phải đáp ứng mức vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng cuối năm nay sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng, nhất là những ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược lớn đứng phía sau hậu thuẫn.
Trong khi đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, sẽ không lùi thời điểm các ngân hàng phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010.
Bởi, theo người đứng đầu ngân hàng trung ương, lộ trình tăng vốn điều lệ ngân hàng đến năm 2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng đã có từ năm 2006. Chính vì vậy, các ngân hàng đã có hẳn 4 năm để chuẩn bị kế hoạch của mình. "Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cơ cấu lại hay gia hạn việc tăng vốn cho các ngân hàng," ông Giàu nhấn mạnh.
Thống đốc cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại để đảm bảo việc tăng vốn là tăng vốn thật chứ không phải vay mượn giữa các cổ đông lẫn nhau.
Như vậy, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, rất có thể sẽ có một cuộc "thanh lọc" trên cơ sở sát nhập, giải thể trong hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm./.
Bên cạnh các ngân hàng đã ung dung hoàn tất việc tăng vốn trước hạn hoặc trình phương án tăng vốn điều lệ, cũng còn nhiều nhà băng đang loay hoay “đánh vật” với bài toán 3.000 tỷ, khi chỉ vừa mới đây còn mướt mồ hôi để "lên" 2.000 tỷ đồng.
Chạy nước rút
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay vẫn còn 22 ngân hàng thương mại cổ phần và một ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50%). Trong số này, hầu hết đều đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo yêu cầu vốn pháp định.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoài Quốc doanh (VPBank) cho biết: Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng vừa đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.117 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm 2010. Như vậy, vốn điều lệ cần tăng thêm trong năm nay là 1.882 tỷ đồng. Vốn điều lệ được chia thành 2 đợt: Đợt 1 tăng từ 2.117 tỷ đồng lên 2.456 tỷ đồng; đợt 2 từ 2.456 lên 4.000 tỷ đồng; dự kiến kết thúc chậm nhất vào ngày 30/12/2010.
Hiện tại VPBank có 3 cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu là Ngân hàng Oversea Chinese chiếm 14,88%; tổ chức tài chính Dragon 8,31% và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí toàn cầu 7,42%.
"Thời điểm này, chuyện tăng vốn điều lệ không còn là vấn đề lớn của ngân hàng nữa. VPBank tăng vốn bằng cách tính toán và chia nguồn tiền thặng dư. Nguồn tiền thặng dư chính là lợi nhuận từ các năm trước giờ lấy ra chia cho cổ đông," ông Hưng nói.
Trong khi đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong tuy mới thành lập nhưng cũng không chịu "bó gối" khi đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ của mình từ 1.750 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Theo đó, đợt 1 Tiên Phong Bank sẽ tăng thêm 250 tỷ đồng, từ 1.750 lên 2.000 tỷ đồng, bằng cách chia thưởng 25 triệu cổ phần phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần vào ngày chốt danh sách cổ đông. Thời gian thực hiện từ 15/8 đến 30/10.
Tiếp đến đợt 2, ngân hàng tăng thêm 1.000 tỷ đồng, từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng bằng cách bán cho nhà đầu tư bên ngoài và cổ đông hiện hữu, thời gian dự kiến là quý III và quý IV của năm nay.
Không như hai ngân hàng chỉ mới dừng ở chuyện "kế hoạch", Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Bắc Á... đã hoàn tất việc tăng vốn từ trước đó một cách suôn sẻ. Mặc dù đều là những ngân hàng mới chuyển đổi, nhưng lãnh đạo các ngân hàng này đều đã có bước tính toán, chuẩn bị để đảm bảo đúng theo lộ trình tăng vốn mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Nhìn chung, phương án tăng vốn của các ngân hàng trên chủ yếu dựa vào nội lực của cổ đông hiện hữu, một số ít có “của để dành” từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và một số ít có thể dựa vào nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua phát hành riêng lẻ.
Vẫn còn lắm gian nan
Thế nhưng, không phải ngân hàng nào cũng có thể tạo một bước nhảy vọt như vậy. Theo khảo sát của Vietnam+, hiện cả thị trường còn khoảng 8 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng (Navibank, Western Bank, DaiA Bank, MeKong Bank, Ficombank, PG Bank, VietBank và GiaDinh Bank).
Sức ép tăng vốn càng lớn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần khi cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán hiện đã giảm sâu và được dự báo không thể sớm cải thiện, do đó kế hoạch phát hành cổ phần tăng thêm vốn của các nhà băng theo kênh này không dễ dàng.
Cho dù giá cổ phiếu phát hành thêm của các ngân hàng chủ yếu được chào bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dường như các nhà đầu tư vẫn "lãnh cảm" với cổ phiếu ngân hàng. Vì thế, các nhà băng chỉ biết trông chờ vào cổ đông lớn.
Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị MeKong Bank cho biết: Ngân hàng sẽ sớm thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ theo lộ trình lên 3.000 tỷ đồng để có thêm điều kiện mở 20 điểm giao dịch mới trong năm nay. Hiện MeKong Bank có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với 634 cổ đông là các cá nhân và tổ chức tài chính. Trong số đó, cổ đông lớn của MeKong Bank là Maritime Bank đang nắm giữ 11% cổ phần. Nếu kể cả nhóm cổ đông lớn là các cá nhân của Maritime Bank thì tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại MeKong Bank lên đến con số 49%.
Trong kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Mekong Bank sẽ phát hành 20-30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Phần còn lại MeKong Bank sẽ bán cho cổ đông hiện hữu, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, VietBank - một trong những ngân hàng có vốn điều lệ còn nằm ở mức 1.000 tỷ đồng cho hay, sẽ đảm bảo vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trước khi năm tài chính 2010 kết thúc bởi đã có các cổ đông lớn là Tập đoàn Hoa Lâm, ACB… hậu thuẫn.
Tuy nhiên, do kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng tài chính nên việc lựa chọn được cổ đông chiến lược tốt và tiềm năng thực sự đối với ngân hàng không phải là dễ trong lúc này. Vì thế, đại đa số các nhà băng chưa có cổ đông ngoại hiện đang phải đôn đáo tìm kiếm cơ hội gọi vốn. Còn các nhà băng đã có cổ đông chiến lược nước ngoài tích cực hơn trong việc gia tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ cho nhà đầu tư ngoại.
Chưa kể, một số ngân hàng còn gặp phải vấn đề khó khăn là một số cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nhỏ cũng có ý định rút lui và không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm trong năm nay. Lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết sẽ giảm tỉ lệ sở hữu trong GiaDinh Bank từ 19% xuống còn khoảng 11% theo quy định. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vốn nắm giữ 11% cổ phần trong Navibank, cũng xem xét lại việc rót thêm vốn vào Navibank khi ngân hàng này phát hành tăng vốn...
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc phải đáp ứng mức vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng cuối năm nay sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng, nhất là những ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược lớn đứng phía sau hậu thuẫn.
Trong khi đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, sẽ không lùi thời điểm các ngân hàng phải tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010.
Bởi, theo người đứng đầu ngân hàng trung ương, lộ trình tăng vốn điều lệ ngân hàng đến năm 2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng đã có từ năm 2006. Chính vì vậy, các ngân hàng đã có hẳn 4 năm để chuẩn bị kế hoạch của mình. "Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cơ cấu lại hay gia hạn việc tăng vốn cho các ngân hàng," ông Giàu nhấn mạnh.
Thống đốc cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại để đảm bảo việc tăng vốn là tăng vốn thật chứ không phải vay mượn giữa các cổ đông lẫn nhau.
Như vậy, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, rất có thể sẽ có một cuộc "thanh lọc" trên cơ sở sát nhập, giải thể trong hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối năm./.
Minh Thúy (Vietnam+)