Ngân hàng Phương Tây chính thức hợp nhất với PVFC

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án hợp nhất giữa Ngân hàng Phương Tây và Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí PVFC.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây (WesternBank) cho biết, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án hợp nhất giữa WesternBank và Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí PVFC. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được triển khai trong thời gian qua.

Báo cáo của WesternBank cho hay, trong sáu tháng cuối năm 2012, WesternBank đã rất tích cực thực hiện việc tái cấu trúc tài sản, nâng cao năng lực quản trị điều hành do vậy đã đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra, kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu trong ngưỡng cho phép. Hoạt động huy động vốn cũng tăng trưởng mạnh mẽ, tính đến cuối năm 2012 tổng số huy động dân cư và tổ chức kinh tế đạt 11 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với cuối tháng 6.

Đặc biệt ngân hàng đã thu hút được thêm 6.000 khách hàng mới đến mở tài khoản giao dịch và gửi tiết kiệm – điều đó chứng tỏ niềm tin của người gửi tiền đã trở lại với WesternBank.

Ngân hàng Phương Tây cũng cho biết, việc đảm bảo phúc lợi xã hội cho cán bộ nhân viên cũng rất được coi trọng, Ngân hàng đã hoàn thành việc chi thưởng Tết Dương lịch và lương tháng thứ 13 cho toàn bộ cán bộ nhân viên. Ngoài ra, Ngân hàng cũng đang tuyển dụng bổ sung nhiều vị trí cho kế hoạch kinh doanh năm 2013, đây là một điểm rất tích cực trong khi nhiều ngân hàng và doanh nghiệp khác đang phải cắt giảm nhân sự.

Trước đó, đầu tháng 8/2012, thị trường đã loan truyền thông tin "cổ đông lớn của Western Bank đã tổ chức một cuộc họp chính thức về vấn đề bán cổ phần của ngân hàng này cho PVFC. Tuy nhiên, ngay sau đó cả hai tổ chức này lại bác bỏ vì chưa có thông tin chính thức. Thực tế, báo cáo tài chính quý 3/2012 cho thấy Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - Công ty Cổ phần (KBC) đã thoái hết vốn tại Western Bank.

Còn đối với PVFC, để có thể chuyển đổi mô hình hoạt động, xin một giấy phép thành lập ngân hàng thương mại là điều gần như không thể với PVFC hay bất cứ tổ chức nào lúc này. Vì vậy, kết duyên với một ngân hàng khác, vừa để nâng cấp mô hình hoạt động, vừa tận dụng kinh nghiệm và mạng lưới bán lẻ của ngân hàng đó. Đây cũng là hướng đi được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong quá trình tái cấu trúc toàn hệ thống ngân hàng và hạn chế mô hình công ty tài chính.

PVFC hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Phương Tây có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hợp nhất hai tổ chức tín dụng này có tổng vốn điều lệ lên đến 9.000 tỷ đồng.

Như vậy, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng. Thương vụ sáp nhập đầu tiên là 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank, FicomBank thành một ngân hàng là SCB.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính hình tài chính của SCB sau hợp nhất đến nay dù vẫn còn khó khăn về chi trả nhưng cơ bản đảm bảo các khoản chi trả bình thường cho công chúng. Tình hình tài chính ngân hàng tới đây sẽ được giải quyết cơ bản nếu phương án cơ cấu lại nợ toàn diện của SCB với ngân hàng bạn và khách hàng được xử lý.

"Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét phương án cơ cấu tài chính của ngân hàng để tạo điều kiện cho ngân hàng xây dựng chỉ tiêu tài chính cho năm 2013", ông Bình nói.

Vụ hợp nhất thứ 2 vào giữa tháng 8/2012 là Ngân hàng Sài Gòn (SHB) và Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) cũng đã hoàn tất thành công với tổng vốn điều lệ lên đến 9.000 tỷ đồng và tổng tài sản tới 120.000 tỷ đồng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục