Ngân hàng quay cuồng tiền cho kịp quyết toán!

Áp lực quyết toán, cùng với tín hiệu “thắt chặt” tín dụng khiến nhiều ngân hàng trong nước rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Gọi điện hẹn gặp mấy anh bạn làm giám đốc ngân hàng mấy ngày nay thật khó. Anh em lâu ngày không gặp, định hàn huyên một bữa “tất niên", nhưng mấy anh bạn dứt khoát: Chịu chết, tôi phải “trực chiến” mấy ngày cuối năm ở cơ quan không thể đi đâu được. Nhất là ngày 31/12 này thì chỉ có nước “mắc màn” ngủ lại cơ quan để làm cho kịp quyết toán năm.

Không những kẹt cứng về thời gian, nhiều ông bạn cũng không giấu được vẻ mặt bơ phờ vì phải lo chạy đôn đáo tiền để cho “đẹp” số dư huy động khi chốt sổ!

Từ lãnh đạo đến nhân viên bơ phờ vì... tiền


“Tôi có ông bạn, mấy hôm nay gặp là cứ than vãn không biết ‘moi’ đâu ra 300 triệu đồng cho ba đứa cháu làm ở ba ngân hàng. Bởi, cứ đến ngày cuối năm, nếu ai chưa đủ chỉ tiêu dư nợ huy động thì phải cố đạt cho kỳ được, nếu không muốn bị xếp loại B. Mà ở ngân hàng, chênh lệch tiền thưởng giữa loại A và B là cả chục triệu đồng chứ chẳng ít,” ông Thăng, một chuyên gia từng là lãnh đạo ngân hàng cho biết.

Năm nay, nhiều ngân hàng cổ phần đang phải lo méo mặt, phần vì chỉ tiêu về tăng trưởng dư nợ cho vay bị “siết lại,” trong khi chỉ tiêu về huy động thì lại phải “phình” ra càng nhiều càng tốt! Ai cũng muốn khi chốt sổ quyết toán ngày 31/12, cột bên huy động phải “thặng dư” so với cột bên cho vay.

Chính vì thế, có một chuyện tưởng như là chuyện cười, khi trong mấy ngày nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đều “bị” các ngân hàng “ruột” hỏi thăm cho “mượn” tiền khoảng từ 2-4 ngày. Thậm chí, có doanh nghiệp vì cuối năm cũng cần tiền phải chi tiêu lương, thưởng hay thanh toán các khoản hợp đồng đến hạn thanh toán, cũng đành phải cho ngân hàng mượn đỡ tiền... trong 1 ngày!

“Đích thân lãnh đạo ngân hàng tôi có quan hệ thân thiết điện thoại nhờ tôi gửi tiền vào, dù chỉ 1 ngày, 31/12 chuyển vào rồi ngay ngày 1/1 là có thể rút ra ngay nên dù bí lắm nhưng tôi cũng không thể từ chối. Vì những lúc mình khó khăn, họ cũng luôn giúp mình nhiệt tình, thì nay không thể chỉ vì có 1 ngày mà mình làm họ thất vọng,” bà Xuân, chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội cho hay.

Thế mới có chuyện, lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng cổ phần ở Cầu Giấy vui ra mặt khi chỉ trong 1 ngày 29/12, anh và nhân viên đôn đáo đi “nhờ vả” đã huy động được 30 tỷ đồng tiền mặt, chưa kể trên 10 tỷ đồng được chuyển khoản. “Chỉ trong buổi sáng lượn một vòng qua mấy doanh nghiệp thân quen, anh em đã có thể đếm tiền cật lực đến tận 7h tối. Mệt nhưng mà vui,” vị lãnh đạo này khoe.

...Và nỗi lo lãi suất

Cũng chính vì yêu tố “thời vụ” nên mới có chuyện cứ vào dịp cuối năm là ngân hàng vắt chân lên cổ lo chạy tiền, còn nhiều doanh nghiệp lại ung dung “kiếm tiền” ngay trên lưng chính ngân hàng!

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, do áp lực phải huy động bằng được nên nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất lên tới 16%/năm, trong khi lãi suất cho vay tối đa là 12%/năm.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã đến rút tiền ở các ngân hàng có lãi suất huy động không cao để mang đến gửi tại ngân hàng có lãi suất ở mức hấp dẫn ngất ngưởng đó, để rồi lại được vay tới 90% chính số tiền mình đã gửi với lãi suất chỉ có 12%/năm.

Thậm chí, có ngân hàng từng xôn xao khi một cá nhân có tiền gửi lên tới 350 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày đã xin rút hết số tiền trên khỏi ngân hàng, với lý do lãi suất tại ngân hàng đó chỉ “kịch đường” là 12%/năm trong khi một ngân hàng khác đang mời chào lãi suất tới 16%/năm. Thế là, cũng chính vị khách này, sau khi đã gật đầu đồng ý chuyển sang gửi tiền tại ngân hàng nọ, lãnh đạo ngân hàng đó ngay lập tức cho xe áp giải tiền cùng vệ sĩ và nhân viên kho quỹ đến ngân hàng kia để rút tiền...

Trong những trường hợp như vậy, ngân hàng mà khách hàng rút tiền chỉ còn biết “ngồi khóc” vì không có cách nào giữ chân, thậm chí còn bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản trong một vài thời điểm nhất định.

Đó là chưa kể, dịp cuối năm nay cũng là hạn nhiều ngân hàng phải tăng vốn để phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Áp lực quyết toán, cùng với tín hiệu “thắt chặt” tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước đã khiến nhiều ngân hàng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan.” Trong khi mải lo với nhiệm vụ của năm 2009, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng không giấu được vẻ lo lắng khi nhìn về năm 2010-năm mà khó khăn của doanh nghiệp đã bị đẩy lên gấp đôi (lãi suất cho vay từ 6,5% lên 12%)!
Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục