Ngân hàng Thụy Sĩ đối mặt với "bong bóng tài sản"

Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini cảnh báo Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) có thể phải đối mặt với bong bóng tài sản.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ 2013 tổ chức tại Interlaken (Thụy Sĩ) ngày 6/6, nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini - một trong số ít những chuyên gia đã dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính 2008 - đã cảnh báo Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) có thể phải đối mặt với bong bóng tài sản, nếu giá các tài sản như trái phiếu chính phủ sụt giảm mạnh.

Kể từ khi áp dụng mức trần tỷ giá 1,2 franc/euro năm 2011, SNB đã nhanh chóng gây dựng một quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ và quỹ này đã tăng gần gấp đôi trong hai năm qua lên 434 tỷ franc (465 tỷ USD) vào tháng 4/2013. Một tỷ lệ lớn trong quỹ dự trữ này được đổ vào trái phiếu chính phủ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) để giúp SNB thành công trong việc kéo giá trị của đồng franc xuống.

Tuy nhiên, chính sách đó phải trả giá bằng việc thanh toán lãi suất trái phiếu khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh trong năm ngoái, cho dù SNB thông báo đạt lợi nhuận 6,9 tỷ franc trong năm 2012. Việc tăng đột ngột lãi suất hiện đang ở mức đáy có thể dẫn đến việc giảm nhanh giá trị của trái phiếu, khiến SNB thua lỗ lớn nếu không kịp thời chuyển hướng đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn ở Interlaken, nhà kinh tế Mỹ Roubini cho rằng giá tài sản trong mấy tháng gần đây đã và đang tăng nhanh ở mức thiếu bền vững so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực toàn cầu. Nếu các điều kiện kinh tế chung không được cải thiện, các thị trường toàn cầu có thể bắt đầu phải đối mặt với bong bóng, sớm nhất có thể là vào năm tới. Ông Roubini cảnh báo nếu bong bóng này nổ tung thì một lần nữa lại dẫn đến những cú sốc kinh tế toàn cầu.

Giới đầu tư đã tìm đến đồng franc Thụy Sĩ làm nơi trú ẩn an toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và tiếp đến là suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. Năm 2009, SNB đã quyết định mua một lượng lớn đồng euro để kiểm soát đà tăng giá của đồng franc nhằm bảo vệ các nhà xuất khẩu, ngành du lịch trong nước và tránh nguy cơ giảm phát.

Dự trữ ngoại tệ của Thụy Sĩ đã tăng từ 47,5 tỷ franc năm 2008 lên 204 tỷ franc năm 2010. Tuy nhiên, chính chính sách can thiệp này đã dẫn đến việc thua lỗ 26,5 tỷ franc và tính đến cuối năm 2010, SNB đã chịu mức lỗ 19,2 tỷ franc.

Tuy nhiên, ông Roubini tin rằng Thụy Sĩ có thể chống chọi với kịch bản tồi tệ nhất nhờ quyết sách tài chính và truyền thống ổn định kinh tế./.

Tố Uyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục