Ngân hàng tiếp tục đối diện với bài toán nguồn vốn

Bị giới hạn bởi trần lãi suất, cộng thêm chính sách hỗ trợ lãi suất cùng cơ chế lãi suất thỏa thuận, bài toán về dòng tiền với các ngân hàng thương mại tập trung ở khâu huy động.
Bị giới hạn bởi trần lãi suất, cộng thêm chính sách hỗ trợ lãi suất cùng cơ chế lãi suất thỏa thuận, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nhanh chóng đi vào thế ít thay đổi. Bài toán về dòng tiền đối với các ngân hàng thương mại tập trung ở khâu huy động.

Sau khi ngăn chặn lạm phát đạt kết quả Ngân hàng Nhà nước tái thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để giúp nền kinh tế không bị lao theo vòng xoáy suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chính sách duy trì lãi suất cơ bản thấp cùng với gói hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là gói cho vay trung và dài hạn một mặt thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng cường cho vay - khai thông đầu ra nhưng mặt khác lại khiến các ngân hàng khó khăn hơn trong việc huy động vốn trung và dài hạn - thu hẹp đầu vào.

Làn sóng nâng lãi suất huy động, nhất là với các kỳ hạn trung và dài được các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, mới thành lập khởi động ngay sau khi Chính phủ có chủ trương mở rộng gói hỗ trợ lãi suất sang các kỳ hạn dài hơn.

Tuy nhiên, một lý do khác cũng rất quan trọng là sự lo ngại của các ngân hàng về khả năng tái diễn lạm phát. Như lời bà Dương Thu Hương, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì “có thể các ngân hàng họ làm thế để tranh thủ huy động nguồn vốn giá rẻ hiện tại so với tương lai”.

Thực tế cho thấy, không chỉ các ngân hàng mới biết tính toán như vậy. Người dân, những người có tiền nhàn rỗi cũng không mặn mà với các kỳ hạn gửi tiền trung và dài hạn mà chỉ sẵn sàng và thực tế chỉ tập trung gửi tiền kỳ hạn ngắn. Đây cũng là “thói quen” mà chính cuộc chạy đua nâng lãi suất huy động của các ngân hàng tạo nên, bởi người gửi tiền chọn kỳ hạn ngắn để nếu cần có thể rút ra rồi gửi vào ngân hàng khác có lãi suất hấp dẫn hơn.

Do không huy động đủ cơ số tiền gửi trung và dài hạn, một số ngân hàng thương mại đã buộc phải tài trợ cho các khoản tín dụng trung và dài hạn bằng nguồn vốn huy động ngắn hạn với tỷ lệ cao nhất có thể (40%).

Ý thức được sự nguy hiểm của tình trạng này, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, trừ quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Đối với các ngân hàng thương mại, tỷ lệ này giảm xuống còn 30%.

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước và cũng là lý do để cơ quan này ban hành Thông tư trên thì “thực tế thực hiện của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong thời gian qua về tỷ lệ khả năng chi trả còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tình hình huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.”

Cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, tiền tệ nhấn mạnh điều kiện hiện nay đang có sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế sẽ làm tăng nguy cơ mất khả năng thanh khoản của các ngân hàng.

Nguy cơ lạm phát cao quay trở lại là có thực do áp lực từ tăng cung tiền. Một khi lạm phát tái diễn trên thực tế thì nguy cơ người dân rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng là hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc chỉ gửi tiền kỳ hạn ngắn đã hàm chứa phần nào ý định này.

Do đã chót sử dụng hết “room 40%”, một số ngân hàng thương mại buộc phải chạy đua với thời hạn 1/1/2010 để tái cơ cấu lại nguồn vốn cho phù hợp với “room 30%” mới.

Để làm được việc này, ngân hàng sẽ phải hoặc là giảm dư nợ cho vay trung và dài hạn, hoặc là tăng nguồn vốn huy động ngắn hạn. Rõ ràng, phương án sau khả thi hơn nhiều nên hầu hết đều chọn phương án này. Làn sóng nâng lãi suất huy động mới được khởi động, lần này là ở tất cả các kỳ hạn chứ không chỉ khu biệt ở kỳ hạn trung và dài như đợt trước.

Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 7/8 - 13/8, một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn (1 tuần, 2 tuần, 1 tháng) với mức khoảng 0,2 - 0,5%/năm. Tiếp sau đó, trong tuần từ 14/8 - 20/8, lãi suất huy động VND tiếp tục tăng trong khoảng 0,2 - 0,4%/năm.

Diễn biến trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng theo chiều hướng tương tự. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 7/8 - 13/8, so với số liệu tuần trước, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng có xu hướng tăng khá cao ở tất cả các kỳ hạn (mức tăng thấp nhất là 0,68%/năm).

Lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 12 tháng có mức tăng trên 1%/năm so với số liệu kỳ trước đó. Lãi suất bình quân qua đêm là 7,20%/năm (tăng 1,39%/năm), lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng từ 8,28%/năm đến 9,50%/năm.

Tuần sau đó, ở các kỳ hạn dưới 3 tháng, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục tăng tuy không cao (dưới 0,3%).

Ở Việt Nam, hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn còn hoạt động theo mô hình truyền thống, lấy tín dụng làm hoạt động kinh doanh chủ yếu với khoảng 70% lợi nhuận thu từ lãi cho vay. Trong khi đó, một kênh tài chính dài hạn khác là thị trường chứng khoán vẫn chưa phát triển. Thực trạng này sẽ còn dẫn các ngân hàng phải đối diện với những vấn đề về nguồn vốn trong thời gian tới, nhất là khi nền kinh tế có biến động./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục