Ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục cắt giảm gói cứu trợ QE-3

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/4 quyết định tiếp tục thu nhỏ quy mô gói cứu trợ kinh tế thứ ba (QE-3).
Ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục cắt giảm gói cứu trợ QE-3 ảnh 1Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 30/4 quyết định tiếp tục thu nhỏ quy mô gói cứu trợ kinh tế thứ ba (QE-3).

Fed khẳng định mặc dù tốc độ tăng trưởng trong ba tháng đầu năm 2014 chậm lại một cách bất ngờ, nhưng các điều kiện cơ bản của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn khá mạnh.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Ủy ban thị trường mở liên bang đưa ra khi kết thúc cuộc họp định kỳ hai ngày, cho biết sẽ giảm gói cứu trợ QE-3 từ 55 tỷ USD xuống 45 tỷ USD/tháng để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp nhằm giữ cho tỷ lệ lãi suất ở mức thấp để kích thích vay tiêu dùng và đầu tư.

Gói cứu trợ QE-3 được bắt đầu từ tháng 12/2013 với mức ban đầu là 85 tỷ USD/tháng.

Theo thông báo của Fed, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao 6,7% và thị trường lao động vẫn chưa thật ổn định, nhưng tổng thể nền kinh tế vẫn đủ mạnh, nhất là sự chi tiêu gia tăng của người tiêu dùng, cho phép giảm bớt quy mô gói cứu trợ.

Thông báo thừa nhận những tác động của tình hình thời tiết mùa Đông lạnh giá bất thường đã làm giảm tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (GDP) trong ba tháng đầu năm, chỉ đạt 0,1% so với mức dự báo tối thiểu 1,2%.

Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen, cho biết Fed sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại ở mức từ 0,0% đến 0,25% “thêm một thời gian nhất định.”

Trong bài phát biểu ngày 16/4 vừa qua, bà Yellen thừa nhận, tuy kinh tế tiếp tục đà phục hồi ấn tượng, nhưng phải hơn hai năm nữa tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ mới quay trở lại mức chấp nhận được, từ 5,2% đến 5,6%.

Theo các chuyên gia, một trong những lý do làm chậm tốc độ tăng GDP của Mỹ trong ba tháng đầu năm là vì kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong thời gian này giảm tới 7,6%, mức giảm lớn nhất của một quý trong vòng 5 năm qua. Đầu tư của các doanh nghịêp Mỹ trong ba tháng chỉ ở mức 111,7 tỷ USD, thấp nhất kể từ quý II năm 2013.

Các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường New York trong ngày 30/4 đã đồng loạt tăng giá nhẹ sau khi đón nhận những đánh giá lạc quan hơn của Fed. Các chỉ số Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq lần lượt tăng 0,27%, 0,29% và 0,19%.

Trước đó các chỉ số chủ lực này đang trên đà sụt giảm do các nhà đầu tư lo ngại với tốc độ tăng GDP chỉ đạt 0,1% trong quý đầu năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục