Ngăn nạn mua bán người qua biên giới: Bẫy 'việc nhẹ, lương cao'

Nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lạ trên mạng xã hội về “việc nhẹ, lương cao," 7 thanh niên người dân tộc thiểu số tại Gia Lai đã bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Ngăn nạn mua bán người qua biên giới: Bẫy 'việc nhẹ, lương cao' ảnh 1Lực lượng biên phòng Đồn Ia O, Biên phòng tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân (làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) vừa được hỗ trợ đưa từ Campuchia về địa phương. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Nhắm vào sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và tình hình kinh tế khó khăn của người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, mới đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, với chiêu trò "việc nhẹ, lương cao," rồi đưa người xuất cảnh trái phép.

Sau khi đưa sang Campuchia, những nạn nhân này bị buộc làm việc trên máy tính, giao chỉ tiêu "trên trời" lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu chúng giao, những nạn nhân này sẽ bị đánh đập, bỏ đói, chích điện rồi bán sang các công ty khác để làm việc nặng nhọc, khổ sai.

Và nếu chạy trốn, bọn chúng sẽ dùng những cực hình dã man hơn để hành hạ nạn nhân. Như một kế hoạch có sẵn, phân cảnh cuối, bọn chúng đưa ra sự lựa chọn sống cho các nạn nhân là liên lạc về gia đình, nộp tiền chuộc thân với giá hàng chục thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mong muốn tìm việc nhẹ, lương cao, nhiều nạn nhân người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai đã sập bẫy các đối tượng môi giới trong các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép. Những người này đã được hỗ trợ đưa về địa phương an toàn, nhưng có thể, họ vẫn chưa phải là những nạn nhân cuối cùng. Sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh đối với chính quyền địa phương, người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai trước chiêu trò dụ dỗ của những đối tượng lừa đảo.

Hiện hai đối tượng liên quan, là mắt xích quan trọng của vụ án đã bị bắt giữ. Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi mua bán người, đồng thời mở rộng điều tra để xử lý nghiêm minh những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, trả lại bình yên cho mảnh đất Tây Nguyên vốn dĩ hiền hòa.

Phóng viên TTXVN phản ánh vấn đề này qua 3 bài viết với chủ đề: Ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới.

Chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lạ trên mạng xã hội về “việc nhẹ, lương cao,” 7 thanh niên người dân tộc thiểu số tại làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Họ bị bắt làm những công việc vi phạm pháp luật, bị đe dọa tính mạng, buộc phải gọi điện về nhà cầu cứu, nộp tiền chuộc thân.

Cuối tháng 6/2022, cả làng Kloong hoang mang truyền tai nhau thông tin 7 thanh niên trong làng bị dụ dỗ đi Thành phố Hồ Chí Minh làm việc nhẹ, lương cao, rồi bị đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Sau đó vài ngày, những nạn nhân này cũng liên lạc được về với gia đình, cho biết họ bị bắt làm những công việc trên máy tính mang tính chất lừa đảo người khác, nhưng do không đáp ứng được công việc nên bị bỏ đói, đánh đập, nếu gia đình không có tiền chuộc, họ sẽ bị bán sang một nước khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thanh niên này hầu hết là không biết chữ hoặc ít học, ít ra khỏi làng. Trong những cuộc điện thoại về gặp người thân, họ khóc lóc và xin gia đình kiếm tiền chuộc mình về.

Ở làng Kloong, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến việc ăn uống cũng phải dè sẻn thì lấy đâu ra số tiền hàng chục triệu, thậm chí hơn cả trăm triệu đồng để chuộc con em về. Nhưng vì tính mạng người thân, những người mẹ, người chị trong làng Kloong vừa khóc cạn nước mắt vừa lục tìm hết giấy tờ đất đai mang đi cầm cố, thậm chí vay nóng để có tiền chuộc người.

Tựa lưng nơi bậc cửa ngôi nhà sàn cũ kỹ, bà Puih H'Phium (làng Kloong) đã già yếu, đôi mắt đỏ hoe, thẫn thờ dõi ra phía xa để chờ mong bóng dáng 2 người con trở về. Bên cạnh, người con dâu đang bụng mang dạ chửa, mấy ngày nay cũng chẳng thiết ăn uống gì, mặt gầy rộc, bồn chồn lo lắng cho người chồng hiện không biết sống chết ra sao ở đất Campuchia.

Chỉ còn người chị gái Puih Niêng, dáng người nhỏ thó, là cố gượng sức mình, chạy đôn chạy đáo, vừa an ủi người thân, vừa tìm nơi thế chấp đất đai, vừa vay nóng thêm người trong làng để có tiền chuộc 2 đứa em về.

Chị Puih Niêng kể, đầu tháng 6/2022, đám thanh niên làng Kloong rủ nhau vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, chúng nó nói người ta hứa trả lương cao lắm, từ 18-20 triệu đồng/người/tháng. Hai thằng em của chị là Puih Thái (sinh năm 1994) và Puih Đại (sinh năm 1998) cũng háo hức rủ nhau đi. Chị Niêng đã cố khuyên hai em ở nhà làm rẫy, tuy nghèo nhưng được gần gia đình, nhưng chúng nhất quyết đi.

Do nhà nghèo, 2 đứa cũng mới cưới vợ và có con nhỏ nên muốn đi làm để có tiền trang trải cuộc sống, vợ Đại còn đang mang thai. Đến giữa tháng 6/2022, Thái và Đại cùng 5 thanh niên nữa rời làng đi làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Mấy hôm sau, Thái gọi về nhà cầu cứu gia đình, Thái kể 7 thanh niên trong làng đã bị lừa sang Campuchia. Bên này họ bắt làm việc trên máy tính, hướng dẫn các em gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia… Nhưng do thanh niên trong làng không được học hành nên không thực hiện được các thao tác trên máy tính.

Khi không đáp ứng được yêu cầu của chúng, Thái cùng những người trong nhóm bị đánh đập, bỏ đói, chích điện. Rồi vài người trong nhóm của Thái bị bán sang cho một công ty khác. Tại đây, nhóm thanh niên làng Kloong vẫn không làm được những công việc họ giao trên máy vi tính nên tiếp tục bị nhốt, bị đánh đập và bỏ đói. Khi thấy nhóm của Thái không thể đáp ứng được công việc, bọn chúng đã bắt từng người gọi điện thoại về gia đình, yêu cầu tiền chuộc thân từ 50-150 triệu đồng/người.

Nói đến đoạn em mình có thể chết bất cứ lúc nào và không biết có được mang xác về quê nhà không, chị Puih Niêng vẫn chưa hết hoảng hốt: "Gia đình tôi quá sợ hãi, lo lắng nên sáng hôm sau tôi đã ra ủy ban nhân dân xã báo cho chính quyền địa phương và Công an. Hai đứa em tôi liên tục gọi về khóc lóc, cầu xin, nói "Chị ơi, lo kiếm tiền chuộc em về chứ để em bên này em chết mất." Giờ gia đình đi vay tiền, bán hết đất đai, nương rẫy để có 150 triệu đồng chuộc hai em về.

Gần đó, bà Puih Som, cũng gạt nước mắt kể, giữa tháng 6, con trai bà là Puih Môi (sinh năm 2004) báo với gia đình muốn đi làm ăn xa cùng thanh niên trong làng. Giờ Môi gọi điện về nói gia đình đi vay số tiền 65 triệu đồng để chuộc nó về. Môi mới 18 tuổi, ở nhà còn phụ thuộc gia đình, không đi học nên không biết đánh máy tính. Ở bên Campuchia nó bị hành hạ, đánh đập, nếu không có tiền chuộc nó sẽ bị bán cho chỗ khác lao động nặng nhọc, vất vả.

Cũng ngay trong làng Kloong, chúng tôi đến nhà nạn nhân Puih Chiêu (sinh năm 2000). Bố mẹ, anh chị Chiêu cũng chỉ biết than khóc kêu trời vì số tiền chuộc để Chiêu được về là 150 triệu đồng. Bán cả gia tài cũng chưa đủ một phần lẻ số tiền, nên họ đang vắt óc nghĩ cách kiếm tiền chuộc con trở về. Vì còn người, còn làm ra tiền trả nợ, dẫu có trả hết cả đời, họ vẫn chấp nhận, chỉ cần thấy con lành lặn trở về. Nghĩ vậy, họ đi vay nóng để có tiền chuộc con.

Bị thúc ép liên tục, gia đình 7 nạn nhân tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã phải vay mượn hàng trăm triệu đồng, chuyển cho các đối tượng lừa đảo tại Campuchia để con em họ được trở về quê nhà.

Sau khi có phản ánh từ báo chí và các cơ quan chức năng, ngày 1/7/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã ra công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh nắm bắt tình hình và ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng lừa đảo lao động, mua bán người qua biên giới trái phép.

Cùng với đó, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai cũng tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, các Cục nghiệp vụ, Bộ Công an và Công an các địa phương trên cả nước bóc gỡ các đối tượng trong đường dây mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ các bị hại trở về địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục