"Ngăn ngừa chiến tranh là cách bảo vệ dân tốt nhất"

Việt Nam coi biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân là ngăn ngừa chiến tranh và giải quyết tận gốc nguyên nhân xung đột.
Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh Việt Nam coi biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân là ngăn ngừa chiến tranh, xung đột và giải quyết tận gốc nguyên nhân của xung đột và căng thẳng xã hội là đói nghèo và chậm phát triển về kinh tế.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên thảo luận Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhan đề "Thực hiện trách nhiệm bảo vệ", Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng những căng thẳng về văn hóa và tôn giáo cũng cần được xử lý thỏa đáng, tránh để bùng phát thành xung đột và chiến tranh.

Đại sứ Bùi Thế Giang nhận định trong bối cảnh xung đột gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, việc thảo luận về trách nhiệm bảo vệ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nhằm ngăn chặn các tội ác diệt chủng, chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và chống nhân loại, như đã nêu trong văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh năm 2005.

Đại sứ khẳng định cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia liên quan thông qua nỗ lực trung gian hòa giải, hoạt động gìn giữ hòa bình, cung cấp viện trợ và xây dựng năng lực.

Đại sứ cho rằng sự hỗ trợ quốc tế sẽ có hiệu quả cao nhất khi dựa trên đối thoại và hợp tác với các quốc gia liên quan.

Đối với điều 139 của Văn kiện Hội nghị thượng đỉnh 2005, Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng việc diễn giải cần chú ý đầy đủ tới mọi nội dung, bao gồm sự tham gia tự nguyện của quốc gia, hành động tập thể kịp thời và cương quyết trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, và hợp tác với các tổ chức khu vực thích hợp.

Văn kiện cần xác định rõ ràng và hợp lý quan niệm về "hành động tập thể kịp thời và cương quyết" nhằm tránh hiểu hàm ý chỉ các biện pháp can thiệp quân sự như cách lựa chọn duy nhất; các biện pháp trừng phạt kinh tế và đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cần được xem xét cẩn trọng trên từng trường hợp cụ thể, tránh chính trị hóa, định kiến, sử dụng tiêu chuẩn kép, và đặc biệt, phải cân nhắc tác động tới người dân.

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2005 thông qua văn kiện chính thức, vấn đề "Trách nhiệm bảo vệ" lần đầu tiên đã được đưa ra thảo luận rộng rãi tại Liên hợp quốc trong các ngày 23, 24 và 28/7.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đại diện của hơn 90 nước, nhiều học giả và đại diện các tổ chức phi chính phủ đã phát biểu ý kiến tại phiên họp./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục