Ngân sách Mỹ bị thâm hụt tháng thứ 20 liên tiếp

Theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ, ngân sách liên bang đã thâm hụt tháng thứ 12 liên tiếp, với mức 135,92 tỷ USD trong tháng Năm.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/6 công bố thu ngân sách của Mỹ trong tháng 5 là 146,80 tỷ USD trong khi chi là 282,72 tỷ USD, thâm hụt 135,92 tỷ USD. Đây là tháng thứ 20 liên tiếp, ngân sách liên bang Mỹ chịu thâm hụt.

Trong 8 tháng đầu tài khóa 2010, kết thúc vào ngày 30/9 tới, dự kiến tổng thu ngân sách của Mỹ đạt 1.350 tỷ USD trong khi tổng chi ngân sách lên tới 2.285 tỷ USD, khiến ngân sách liên bang thâm hụt 935 tỷ USD, giảm khoảng 53 tỷ USD so với tài khóa trước. Con số thâm hụt ngân sách do Bộ Tài chính đưa ra thấp hơn 142 tỷ so với mức thâm hụt do Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đưa ra.

CBO dự báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2010 hiện nay sẽ vào khoảng 1.350 tỷ USD so với con số 1.555 tỷ USD mà Nhà Trắng đưa ra từ đầu năm. Tài khóa 2009, ngân sách Mỹ chịu mức thâm hụt kỷ lục là 1.515 tỷ USD.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cũng ra báo cáo cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 4 tăng lên 40,3 tỷ USD so với con số đã được điều chỉnh là 40 tỷ USD trong tháng Ba.

Báo cáo cũng cho biết trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,7% xuống còn 148,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 0,4% xuống mức 189,1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do xuất khẩu hàng tiêu dùng và thực phẩm giảm với mức giảm mạnh nhất là dược phẩm, giảm 650 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu hàng tiêu dùng và ôtô giảm mạnh. Nhập khẩu dược phẩm giảm mạnh nhất, tới 918 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu máy vi tính tăng nhiều nhất về giá trị, tăng hơn 823 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu xăng dầu tăng 428 triệu USD lên 22,7 tỷ USD, đây là kim ngạch nhập khẩu trong một tháng cao nhất đối với mặt hàng này tính từ tháng 10/2008 khi thương mại toàn cầu bắt đầu bước vào thời kỳ "rơi tự do" do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tháng 4 tăng 14,3% so với tháng trước, lên 19,3 tỷ USD, đây là mức thâm hụt cao nhất từ đầu năm 2010 và cũng là mức thâm hụt lớn nhất của Mỹ với bất cứ nước nào khác. Thâm hụt mậu dịch Mỹ-Trung tăng liên tục đã làm tăng sức ép của Mỹ đòi Trung Quốc phải áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính Thượng viện ngày 10/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng đồng Nhân dân tệ mạnh hơn là "cực kỳ quan trọng" để nền kinh tế thế giới đạt được sự phát triển cân bằng.

Tuy nhiên, so với bốn tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 đã tăng 17% và kim ngạch nhập khẩu cũng tăng tới 20% do thương mại toàn cầu đang hồi phục kể từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất vào những năm 30 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục