Hàng chục cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm trong rừng bị triệt hạ, cưa xẻ thành khúc, thành tấm xuôi theo suối trở về địa bàn tiêu thụ. Đó là một thực trạng đau lòng đã xảy ra ở rừng đặc dụng xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Lời cầu cứu khẩn thiết từ rừng đặc dụng Mường Pồn
Theo Quốc lộ 12 hướng Điện Biên-Lai Châu chừng hơn 20km, chúng tôi rẽ sang con đường tuần tra biên giới để đi sâu vào khu vực rừng Pá Trả, bản Pá Trả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên - nơi được mệnh danh “điểm nóng” về tình hình chặt phá rừng thời gian qua.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc cao ngất ngưởng, vòng vèo uốn lượn men theo sườn, sống núi ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, chúng tôi cũng đến đoạn đường thi công dở của tuyến đường tuần tra biên giới dài hơn 20km. Anh Phạm Công Nguyên, cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên cho hay, chúng tôi đã vào đến địa điểm nổi cộm tình trạng chặt phá rừng.
Bốn người (2 cán bộ kiểm lâm, 2 phóng viên) cùng chung tâm trạng lo lắng... Vác những những thứ vật dụng cần thiết như nước uống, gậy đi đường, dụng cụ tác nghiệp..., chúng tôi rời xe tìm đến con đường mòn dẫn lối đi xuống lòng suối Huổi Lực để khảo sát tình hình chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép tại điểm nóng này.
Con đường dẫn xuống suối Huổi Lực trơn trượt do bề mặt dốc, sình lầy và ẩm ướt, chúng tôi phải tháo dép, bấm ngón chân xuống mặt đất để tránh bị ngã nhào về phía trước và luồn dưới những bụi lau lách, dây leo để tiếp cận mục tiêu.
Sau gần 20 phút đi bộ, từ xa chúng tôi nghe hòa lẫn với tiếng suối chảy róc rách là tiếng nhiều người nói, cười ở phía trước. Người đi đầu đoàn của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên dừng bước, quay đầu lại “phát” hiệu lệnh bắt chúng tôi ngồi xuống, lặng lẽ thám thính tình hình, chuẩn bị máy quay... Ba người chúng tôi ngồi lại trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu...
Riêng anh Hải một mình lặng lẽ cúi khom mình, bước những bước chân nhẹ nhàng trên thảm thực vật ẩm ướt đến gần mục tiêu hơn. Sau hơn 10 phút “mật phục,” mục kích đối tượng, bất ngờ anh đứng bật dậy, chạy thẳng đến nơi có 4 lâm tặc đang chuẩn bị những cuộn dây thừng, xắn quần lội qua suối.
Chúng tôi nhìn sang vách núi bên kia suối, thấp thoáng những “lâm tặc” đang bò ngược lên triền núi để thoát thân, chạy tội.
Phi vụ này, chúng tôi “tóm” được chủ nhân của số lượng gỗ bất hợp pháp mà đối tượng đang thuê gần 10 thanh niên trai tráng vận chuyển ra khỏi rừng, về nơi tiêu thụ.
Tại hiện trường, trước mắt chúng tôi là 8 tấm gỗ Giổi, chiều dài 2m, chiều rộng 50cm, chiều cao 4cm được xẻ vuông thành sắc cạnh và 11 tấm gỗ khác cũng đã được cắt xẻ thành hộp, kích thước rộng 30cm, dày 10cm, dài 2m, tổng khối lượng ước đạt trên 1m3.
Đối tượng bị bắt sinh năm 1974, trú quán tại bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tại hiện trường, y khai nhận 8 tấm gỗ Giổi là của y mua của người khác với mục đích về làm quan tài cho người thân cao tuổi, còn 11 tấm gỗ bên kia suối thì y “không biết của ai cả.” Một biên bản “nóng” do chính tay anh Phạm Công Nguyên lập ngay tại hiện trường đối với đối tượng này.
Điều làm chúng tôi quá bất ngờ ở chỗ, đây là phi vụ thứ 2 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ngay trên dòng suối này. Lần đầu y cũng bị chính lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính 24 triệu đồng khi định “tẩu tán” 3,8 m3 gỗ. Điểm “mục kích” thứ 2 chúng tôi dừng chân là khu vực thuộc tiểu khu 696A, khoảng 5 khe suối Huổi Lực.
Những cán bộ kiểm lâm đi cùng cho biết, địa điểm này tồn tại nhiều những cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm nên trở thành địa điểm “béo bở” thu hút lâm tặc tìm đến.
Gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, luồn lách dưới những thứ dây leo chằng chịt, dẫm đạp lên những viên đá, cuội dưới lòng suối đến bỏng rát, tứa máu chân trên suốt chiều dài gần 300m của con suối Huổi Lực. Đập vào mắt chúng tôi là một thân cây Tô Hạp bị đốn ngã vắt ngang qua suối, án ngữ con đường phía trước. Vết cưa ở gốc cây còn đỏ au minh chứng cho thời điểm bị hạ gục còn rất mới, mùi gỗ và nhựa cây toả ra vẫn còn thơm nồng. Bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cây có chiều dài trên 20m, chu vi vành thân 2 người ôm không xuể và nếu tận thu thì cũng phải khai thác được khoảng 4m3 gỗ tròn.
Ở cách đó không xa, một thân cây Chò Nâu có độ tuổi gần trăm năm cũng cùng chung số phận. Vết cưa ở gốc có phần cũ hơn cây Tô Hạp trước một chút, nhưng thời gian triệt hạ cũng chỉ hai, ba tháng trở lại. Mức độ đồ sộ, quy mô của cây Chò Nâu này còn hơn hẳn cây thứ nhất: Dài gần 24m, đường kính gần 60 cm với khối lượng gỗ tròn tận thu lên đến hơn 5m3.
Tại nơi khai thác gỗ trái phép này, chúng tôi liệt kê được số lượng 13 cây gỗ cổ thụ có độ tuổi hàng chục năm với khối lượng lên đến trên 33 m3 gỗ tròn do lâm tặc triệt hạ chưa kịp “tẩu tán” còn để lại trên suốt chiều dài gần 300m nằm dọc dòng suối Huổi Lực. Trong đó có 5 cây Tô Hạp, 3 cây Xoan Nhừ, các loại cây Trám trắng, Chò nâu, Muồng trắng, Trẩu rừng trắng, mỗi loại có số lượng 1 cây và một cây gỗ khác bị đổ ngã.
Trong số 12 cây bị triệt hạ này có 9 cây dấu cưa máy sắc lẹm vẫn còn mới toanh, bưng mủ đỏ au, hoặc tím tái, biểu hiện tình trạng mới bị hạ, 3 cây bị triệt hạ trước đó rất lâu, 1 cây tự đổ. Đường kính trung bình của 13 cây gỗ này là 41,5 cm, cây có đường kính lớn nhất lên đến 55 cm, cây dài nhất 23m, được phân loại vào nhóm gỗ V, VI (gỗ quý). Các cán bộ kiểm lâm đi cùng đều có chung nhận định: những vết tích dấu cưa còn hằn rõ trên từng gốc cây, chứng tỏ những cây gỗ này đều bị triệt hạ bằng phương tiện máy cưa xăng, lưỡi cưa phải dài từ 1m đến 1,2m.
Không thể chỉ phó thác trách nhiệm cho kiểm lâm
Đau xót khi chứng kiến thảm cảnh rừng bị tàn phá, rút ruột ngang nhiên, tại Trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng bức xúc: Những gì diễn ra tại suối Huổi Lực đã nói lên tính chất đáng báo động trước tình trạng chặt, phá rừng, khai thác trái phép rừng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khi lâm tặc đã bất chấp luật pháp, coi thường cơ quan chức năng, ngang nhiên vác cưa xăng vào rừng chọn những cây gỗ to, cao, có hàng chục năm tuổi để triệt hạ.
Tang vật vụ vi phạm lâm luật này nằm cạnh đường vành đai tuần tra biên giới, cách trung tâm xã không xa (khoảng trên dưới 15 km) và vết tích cưa máy còn để lại chứng tỏ vụ việc không đơn thuần là do cá nhân hay hộ gia đình thực hiện hành vi này mà là nhiều người tham gia và hoạt động theo tổ chức. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, tôi nghi đứng đằng sau những kẻ ra tay triệt hạ còn có một “bàn tay” khác dung túng, bao che cho bọn lâm tặc.
Anh Hải cũng cho biết cái khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên: Địa bàn quản lý rộng gồm 10 xã vùng trong lòng chảo và 9 xã vùng ngoài, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm mỏng, trong khi đó nhu cầu về sử dụng gỗ của người dân trên địa bàn lớn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Thái, Mông...Nên công tác tuần tra, phát hiện những hành vi khai thác, vận chuyển gỗ của lâm tặc đối với lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, khó khăn. Mặt khác, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm thì lớn mà chức năng, quyền hạn rất hạn chế, nên trong công tác đấu tranh bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều trở ngại, rào cản.
Theo thống kê và đánh giá của Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Những tháng đầu năm 2011, hạt kiểm lâm huyện Điện Biên cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Nhưng về mức độ, quy mô và sự phức tạp thì vụ xảy ra ở suối Huổi Lực, xã Mường Pồn là rất nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm thì hệ quả...khôn lường.
Một nguyên nhân khác khiến rừng ở thượng nguồn suối Huổi Lực luôn là tâm điểm của bọn lâm tặc bởi nơi hội tụ các yếu tố về vị trí “thiên thời, địa lợi”. Tại điểm xảy ra vụ phá rừng trên, xuôi theo suối Huổi Lực thì phía thượng nguồn con suối sẽ dẫn đến địa bàn Thanh Nưa, xã tiếp giáp với trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - nơi có nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn- bằng quốc lộ 12 chưa đầy 2km. Nếu lâm tặc lợi dụng độ sâu của mực nước, xuôi gỗ theo dòng thì chẳng khó khăn gì.
Cho đến hiện tại, số lượng 33 m3 khối gỗ, 10 Ste củi tận thu cành, ngọn của 13 cây cổ thụ trên vẫn nằm tại hiện trường bởi cơ quan chức năng không có trang thiết bị để cưa xẻ, vận chuyển về Hạt. Về phần mình, Hạt kiểm lâm huyện cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức bán đấu giá số gỗ trên tại rừng cho cá nhân, tổ chức có điều kiện và phương tiện vận xuất, vận chuyển, số tiền bán đấu giá sẽ xung công quỹ.
Xã Mường Pồn hiện có trên 4.000ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng hơn 33%, thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh (37%). Những năm qua, rừng Mường Pồn luôn được đánh giá là rừng có trữ lượng lớn, gỗ tốt, lâu năm. Tuy nhiên, nói như anh Nguyễn Văn Hải “Việc bảo vệ rừng ở Mường Pồn cần có sự quan tâm, ủng hộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương, người dân mới bảo vệ được rừng, còn nếu phó thác trách nhiệm, ỷ lại vào riêng lực lượng kiểm lâm thì công tác bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan”. Nếu cơ quan chức năng, các cấp ngành liên quan, chính quyền địa phương không có sự phối hợp trong công tác tuần tra, bảo vệ thì rừng Mường Pồn “chảy máu” là điều tất yếu./.
Lời cầu cứu khẩn thiết từ rừng đặc dụng Mường Pồn
Theo Quốc lộ 12 hướng Điện Biên-Lai Châu chừng hơn 20km, chúng tôi rẽ sang con đường tuần tra biên giới để đi sâu vào khu vực rừng Pá Trả, bản Pá Trả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên - nơi được mệnh danh “điểm nóng” về tình hình chặt phá rừng thời gian qua.
Sau gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với những con dốc cao ngất ngưởng, vòng vèo uốn lượn men theo sườn, sống núi ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, chúng tôi cũng đến đoạn đường thi công dở của tuyến đường tuần tra biên giới dài hơn 20km. Anh Phạm Công Nguyên, cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên cho hay, chúng tôi đã vào đến địa điểm nổi cộm tình trạng chặt phá rừng.
Bốn người (2 cán bộ kiểm lâm, 2 phóng viên) cùng chung tâm trạng lo lắng... Vác những những thứ vật dụng cần thiết như nước uống, gậy đi đường, dụng cụ tác nghiệp..., chúng tôi rời xe tìm đến con đường mòn dẫn lối đi xuống lòng suối Huổi Lực để khảo sát tình hình chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép tại điểm nóng này.
Con đường dẫn xuống suối Huổi Lực trơn trượt do bề mặt dốc, sình lầy và ẩm ướt, chúng tôi phải tháo dép, bấm ngón chân xuống mặt đất để tránh bị ngã nhào về phía trước và luồn dưới những bụi lau lách, dây leo để tiếp cận mục tiêu.
Sau gần 20 phút đi bộ, từ xa chúng tôi nghe hòa lẫn với tiếng suối chảy róc rách là tiếng nhiều người nói, cười ở phía trước. Người đi đầu đoàn của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên dừng bước, quay đầu lại “phát” hiệu lệnh bắt chúng tôi ngồi xuống, lặng lẽ thám thính tình hình, chuẩn bị máy quay... Ba người chúng tôi ngồi lại trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu...
Riêng anh Hải một mình lặng lẽ cúi khom mình, bước những bước chân nhẹ nhàng trên thảm thực vật ẩm ướt đến gần mục tiêu hơn. Sau hơn 10 phút “mật phục,” mục kích đối tượng, bất ngờ anh đứng bật dậy, chạy thẳng đến nơi có 4 lâm tặc đang chuẩn bị những cuộn dây thừng, xắn quần lội qua suối.
Chúng tôi nhìn sang vách núi bên kia suối, thấp thoáng những “lâm tặc” đang bò ngược lên triền núi để thoát thân, chạy tội.
Phi vụ này, chúng tôi “tóm” được chủ nhân của số lượng gỗ bất hợp pháp mà đối tượng đang thuê gần 10 thanh niên trai tráng vận chuyển ra khỏi rừng, về nơi tiêu thụ.
Tại hiện trường, trước mắt chúng tôi là 8 tấm gỗ Giổi, chiều dài 2m, chiều rộng 50cm, chiều cao 4cm được xẻ vuông thành sắc cạnh và 11 tấm gỗ khác cũng đã được cắt xẻ thành hộp, kích thước rộng 30cm, dày 10cm, dài 2m, tổng khối lượng ước đạt trên 1m3.
Đối tượng bị bắt sinh năm 1974, trú quán tại bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tại hiện trường, y khai nhận 8 tấm gỗ Giổi là của y mua của người khác với mục đích về làm quan tài cho người thân cao tuổi, còn 11 tấm gỗ bên kia suối thì y “không biết của ai cả.” Một biên bản “nóng” do chính tay anh Phạm Công Nguyên lập ngay tại hiện trường đối với đối tượng này.
Điều làm chúng tôi quá bất ngờ ở chỗ, đây là phi vụ thứ 2 đối tượng có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ngay trên dòng suối này. Lần đầu y cũng bị chính lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính 24 triệu đồng khi định “tẩu tán” 3,8 m3 gỗ. Điểm “mục kích” thứ 2 chúng tôi dừng chân là khu vực thuộc tiểu khu 696A, khoảng 5 khe suối Huổi Lực.
Những cán bộ kiểm lâm đi cùng cho biết, địa điểm này tồn tại nhiều những cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm nên trở thành địa điểm “béo bở” thu hút lâm tặc tìm đến.
Gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ, luồn lách dưới những thứ dây leo chằng chịt, dẫm đạp lên những viên đá, cuội dưới lòng suối đến bỏng rát, tứa máu chân trên suốt chiều dài gần 300m của con suối Huổi Lực. Đập vào mắt chúng tôi là một thân cây Tô Hạp bị đốn ngã vắt ngang qua suối, án ngữ con đường phía trước. Vết cưa ở gốc cây còn đỏ au minh chứng cho thời điểm bị hạ gục còn rất mới, mùi gỗ và nhựa cây toả ra vẫn còn thơm nồng. Bằng mắt thường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy cây có chiều dài trên 20m, chu vi vành thân 2 người ôm không xuể và nếu tận thu thì cũng phải khai thác được khoảng 4m3 gỗ tròn.
Ở cách đó không xa, một thân cây Chò Nâu có độ tuổi gần trăm năm cũng cùng chung số phận. Vết cưa ở gốc có phần cũ hơn cây Tô Hạp trước một chút, nhưng thời gian triệt hạ cũng chỉ hai, ba tháng trở lại. Mức độ đồ sộ, quy mô của cây Chò Nâu này còn hơn hẳn cây thứ nhất: Dài gần 24m, đường kính gần 60 cm với khối lượng gỗ tròn tận thu lên đến hơn 5m3.
Tại nơi khai thác gỗ trái phép này, chúng tôi liệt kê được số lượng 13 cây gỗ cổ thụ có độ tuổi hàng chục năm với khối lượng lên đến trên 33 m3 gỗ tròn do lâm tặc triệt hạ chưa kịp “tẩu tán” còn để lại trên suốt chiều dài gần 300m nằm dọc dòng suối Huổi Lực. Trong đó có 5 cây Tô Hạp, 3 cây Xoan Nhừ, các loại cây Trám trắng, Chò nâu, Muồng trắng, Trẩu rừng trắng, mỗi loại có số lượng 1 cây và một cây gỗ khác bị đổ ngã.
Trong số 12 cây bị triệt hạ này có 9 cây dấu cưa máy sắc lẹm vẫn còn mới toanh, bưng mủ đỏ au, hoặc tím tái, biểu hiện tình trạng mới bị hạ, 3 cây bị triệt hạ trước đó rất lâu, 1 cây tự đổ. Đường kính trung bình của 13 cây gỗ này là 41,5 cm, cây có đường kính lớn nhất lên đến 55 cm, cây dài nhất 23m, được phân loại vào nhóm gỗ V, VI (gỗ quý). Các cán bộ kiểm lâm đi cùng đều có chung nhận định: những vết tích dấu cưa còn hằn rõ trên từng gốc cây, chứng tỏ những cây gỗ này đều bị triệt hạ bằng phương tiện máy cưa xăng, lưỡi cưa phải dài từ 1m đến 1,2m.
Không thể chỉ phó thác trách nhiệm cho kiểm lâm
Đau xót khi chứng kiến thảm cảnh rừng bị tàn phá, rút ruột ngang nhiên, tại Trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên, anh Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng bức xúc: Những gì diễn ra tại suối Huổi Lực đã nói lên tính chất đáng báo động trước tình trạng chặt, phá rừng, khai thác trái phép rừng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khi lâm tặc đã bất chấp luật pháp, coi thường cơ quan chức năng, ngang nhiên vác cưa xăng vào rừng chọn những cây gỗ to, cao, có hàng chục năm tuổi để triệt hạ.
Tang vật vụ vi phạm lâm luật này nằm cạnh đường vành đai tuần tra biên giới, cách trung tâm xã không xa (khoảng trên dưới 15 km) và vết tích cưa máy còn để lại chứng tỏ vụ việc không đơn thuần là do cá nhân hay hộ gia đình thực hiện hành vi này mà là nhiều người tham gia và hoạt động theo tổ chức. Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc này, tôi nghi đứng đằng sau những kẻ ra tay triệt hạ còn có một “bàn tay” khác dung túng, bao che cho bọn lâm tặc.
Anh Hải cũng cho biết cái khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm huyện Điện Biên: Địa bàn quản lý rộng gồm 10 xã vùng trong lòng chảo và 9 xã vùng ngoài, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm lâm mỏng, trong khi đó nhu cầu về sử dụng gỗ của người dân trên địa bàn lớn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Thái, Mông...Nên công tác tuần tra, phát hiện những hành vi khai thác, vận chuyển gỗ của lâm tặc đối với lực lượng kiểm lâm còn hạn chế, khó khăn. Mặt khác, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm thì lớn mà chức năng, quyền hạn rất hạn chế, nên trong công tác đấu tranh bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều trở ngại, rào cản.
Theo thống kê và đánh giá của Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết: Những tháng đầu năm 2011, hạt kiểm lâm huyện Điện Biên cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Nhưng về mức độ, quy mô và sự phức tạp thì vụ xảy ra ở suối Huổi Lực, xã Mường Pồn là rất nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm thì hệ quả...khôn lường.
Một nguyên nhân khác khiến rừng ở thượng nguồn suối Huổi Lực luôn là tâm điểm của bọn lâm tặc bởi nơi hội tụ các yếu tố về vị trí “thiên thời, địa lợi”. Tại điểm xảy ra vụ phá rừng trên, xuôi theo suối Huổi Lực thì phía thượng nguồn con suối sẽ dẫn đến địa bàn Thanh Nưa, xã tiếp giáp với trung tâm thành phố Điện Biên Phủ - nơi có nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn- bằng quốc lộ 12 chưa đầy 2km. Nếu lâm tặc lợi dụng độ sâu của mực nước, xuôi gỗ theo dòng thì chẳng khó khăn gì.
Cho đến hiện tại, số lượng 33 m3 khối gỗ, 10 Ste củi tận thu cành, ngọn của 13 cây cổ thụ trên vẫn nằm tại hiện trường bởi cơ quan chức năng không có trang thiết bị để cưa xẻ, vận chuyển về Hạt. Về phần mình, Hạt kiểm lâm huyện cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức bán đấu giá số gỗ trên tại rừng cho cá nhân, tổ chức có điều kiện và phương tiện vận xuất, vận chuyển, số tiền bán đấu giá sẽ xung công quỹ.
Xã Mường Pồn hiện có trên 4.000ha rừng, tỷ lệ độ che phủ rừng hơn 33%, thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh (37%). Những năm qua, rừng Mường Pồn luôn được đánh giá là rừng có trữ lượng lớn, gỗ tốt, lâu năm. Tuy nhiên, nói như anh Nguyễn Văn Hải “Việc bảo vệ rừng ở Mường Pồn cần có sự quan tâm, ủng hộ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, chính quyền địa phương, người dân mới bảo vệ được rừng, còn nếu phó thác trách nhiệm, ỷ lại vào riêng lực lượng kiểm lâm thì công tác bảo vệ rừng còn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan”. Nếu cơ quan chức năng, các cấp ngành liên quan, chính quyền địa phương không có sự phối hợp trong công tác tuần tra, bảo vệ thì rừng Mường Pồn “chảy máu” là điều tất yếu./.
Xuân Tiến (TTXVN/Vietnam+)