Ngành công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ lĩnh vực xe máy

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có thể xuất được khoảng 70% các loại linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam đã có thể tự sản xuất được khoảng 70% các loại linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam.

Chuyện từ phía nhà sản xuất xe máy

Hiện nay, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, và một trong những thành công trong lĩnh vực này chính là nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy.

Việt Nam là quốc gia có lượng phương tiện giao thông chiếm tới 90% là xe máy. Dự báo đến năm 2015 lượng xe máy lưu hành trong cả nước sẽ khoảng 31 triệu xe và đến năm 2020 khoảng 33 triệu chiếc.

Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất và lắp ráp xe máy cũng khá đông, khoảng gần 60 doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Italy, Đài Loan.

Theo Bộ Công Thương, tới cuối năm 2012, tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe máy của Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 5 triệu xe/năm.

Các hãng xe máy lớn như Yamaha, Honda, Piaggio đang hoạt động ở Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ví dụ như việc Piaggio xây dựng thêm nhà máy thứ 2 tại Vĩnh Phúc với mục tiêu nâng sản lượng từ 100.000 lên 300.000 xe/năm. Yamaha đầu tư hơn 26 triệu USD nhằm tăng thêm 50% công suất lắp ráp để nâng sản lượng lên 1,5 triệu xe/năm. Honda cũng mới đầu tư hơn 120 triệu USD xây dựng nhà máy thứ 3 ở Hà Nam với mong muốn nâng tổng công suất lắp ráp lên mức 2,5 triệu xe/năm.

Như vậy, sau năm 2012 này, chỉ riêng với ba thương hiệu trên, sản lượng lắp ráp cũng đã vượt qua con số 4 triệu xe/năm, tức gần bằng tổng số 5 triệu xe như dự báo của Bộ Công Thương đưa ra.

Theo khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.

Sự vào cuộc của các nhà sản xuất phụ tùng xe máy

Trước những dự báo và tính toán đầy triển vọng, nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ xe máy của Việt Nam đã có những bước điều chỉnh trong chiến lược sản xuất để nắm bắt cơ hội tốt này. Điển hình như Công ty Cơ khí Mạnh Quang, một doanh nghiệp có tiếng trong làng sản xuất phụ tùng xe máy của Việt Nam.

Với phương châm “người thợ Việt có thể tự tin làm ra những sản phẩm phụ tùng xe máy uy tín, chất lượng,” Mạnh Quang đã mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Từ 22.000m2 nhà xưởng lúc ban đầu, Mạnh Quang đã đầu tư mở rộng thêm hai nhà máy cùng hàng trăm máy móc chuyên dụng hiện đại. Nhờ đó, mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường gần 8 triệu sản phẩm nhông, đĩa, xích, phụ tùng xe máy các loại, chiếm gần 20% thị phần cung cấp sản phẩm cho các công ty sản xuất và lắp ráp xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trở thành đối tác lớn chuyên cung cấp phụ tùng xe máy cho các hãng lớn.

Nhà máy có 4 phân xưởng sản xuất được trang bị nhiều thiết bị hiện đại của Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sỹ, Đài Loan như máy gia công CNC, máy tiện CNC, máy khoan và taro CNC, máy dập cao tốc 150 tấn... Đây là hệ thống máy móc sản xuất phụ tùng xe máy lớn nhất và quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, Mạnh Quang còn áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001-2008, tiêu chuẩn 5S Nhật Bản và hướng tới phương thức quản lý chất lượng tổng thể. Nhờ đó, Mạnh Quang có đủ khả năng chế tạo thành công nhiều chủng loại phụ tùng xe máy phức tạp với chất lượng và độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất.

Hiện nay, doanh thu từ nguồn bán phụ tùng xe máy của Mạnh Quang khoảng 250 tỷ đồng/năm. Trong đó 30% từ nguồn bán cho các công ty lắp ráp xe máy, 50% từ hệ thống đại lý, 10% từ gia công và số còn lại khoảng hơn 5% là từ bán lẻ.

Phụ tùng xe máy Mạnh Quang được chứng nhận là sản phẩm Việt Nam tốt nhất năm 2010 và hàng Việt Nam chất lượng cao 12 năm liền.

Từ câu chuyện của Mạnh Quang cho thấy, ngành công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực xe máy của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Bởi việc đầu tư phát triển lĩnh vực này sẽ giúp cho các nhà sản xuất và lắp ráp xe máy ở Việt Nam hóa giải được bài toán khó khăn nhất hiện nay, đó là phải tiết giảm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng như hiện nay./.

Theo khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.

Các công ty, tập đoàn lớn của nước ngoài đã thiết lập nhiều nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ kỳ vọng vào việc cắt giảm chi phí vận chuyển và rủi ro, vì thế nó sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp phụ tùng trong nước phát triển sản xuất.

90% phương tiện tham gia giao thông ở Việt Nam là xe máy. Và dự tính đến năm 2015 lượng xe máy lưu hành trên cả nước sẽ đạt khoảng 31 triệu xe.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục