Ngành công nghiệp Mỹ ra sao khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm?

Tờ Quan điểm của Nga trích dẫn phân tích của các chuyên gia Nga cho biết, nếu Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm cho nước ngoài, các tập đoàn công nghiệp quân sự của Mỹ sẽ không thể trụ được.
 Đất hiếm chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đất hiếm chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu đã trích dẫn tờ Financial Times của Anh về thông tin của "những nhân vật được Chính phủ Trung Quốc tham vấn," cho rằng Trung Quốc đang thăm dò khả năng hạn chế xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và đánh giá mức độ ảnh hưởng của động thái này đối với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Bài báo cho rằng loại vật liệu này rất cần thiết để Mỹ chế tạo vũ khí và trang thiết bị tiên tiến như máy bay chiến đấu F-35.

Tờ Quan điểm của Nga đã trích dẫn phân tích của các chuyên gia Nga cho biết, nếu Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm cho nước ngoài, các tập đoàn công nghiệp quân sự của Mỹ sẽ không thể trụ được quá lâu.

Tuy nhiên, đất hiếm đồng thời cũng được sử dụng trong công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như chip điện tử. Do đó, Trung Quốc đang hết sức thận trọng khi tính toán đến hành động này."

"Gót chân Achilles" của Mỹ và châu Âu

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã công khai trưng cầu ý kiến về "Quy định quản lý đất hiếm (Dự thảo trưng cầu ý kiến)" vào tháng Một năm nay, đề xuất việc nhà nước thực hiện quản lý tổng hạn ngạch đối với khai thác đất hiếm, nấu chảy quặng và phân tách đất hiếm.

Theo Financial Times, Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung đất hiếm trên thế giới.

Báo cáo trích dẫn phân tích của một nhân vật thuộc cơ quan tư vấn Trung Quốc rằng nhà sản xuất vũ khí của Mỹ có thể là một trong những công ty đầu tiên bị hạn chế xuất khẩu.

Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt Lockheed Martin, Boeing, Raytheon và các công ty khác liên quan đến việc Mỹ bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan.

Máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin chủ yếu dựa vào kim loại đất hiếm để sản xuất các bộ phận quan trọng như hệ thống động lực và nam châm.  Theo ước tính, cứ một chiếc tiêm kích F-35 được sản xuất sẽ tiêu thụ 417kg sản phẩm đất hiếm.

Tờ Bloomberg ngày 17/12 cho rằng Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất. Đất hiếm là "gót chân Achilles" của Mỹ và châu Âu.

Theo Financial Times, sự xấu đi của quan hệ Mỹ-Trung và cuộc chiến công nghệ giữa hai nước đã thúc đẩy Trung Quốc thực hiện hành động này.

Trước đó, Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc trong việc nhập khẩu các công nghệ nhạy cảm của Mỹ, trong khi Chính quyền tân Tổng thống Biden cũng tuyên bố họ sẽ hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh.

“Con dao hai lưỡi” khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu

Bài bình luận cho rằng việc Bắc Kinh kiểm soát đất hiếm có thể trở thành một nguồn gây căng thẳng mới với Washington. Nhưng một số người cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu triệt để có thể thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh phát triển năng lực sản xuất đất hiếm của riêng họ, do đó làm suy yếu vị thế thống trị của nước này đối với ngành công nghiệp đất hiếm.

Tờ Quan điểm của Nga ngày 17/2 đưa tin ông Alexei Maslov, Giám đốc Viện Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, kim loại đất hiếm từ Trung Quốc được sử dụng để sản xuất một số lượng lớn thiết bị quân sự Mỹ, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-35. Ngoài ra, kim loại đất hiếm còn được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như chip điện tử.

Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn các sản phẩm điện tử do Mỹ sản xuất. Theo Financial Times, Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào đất hiếm.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng đã tuyên bố trước Quốc hội vào tháng 10/2020 rằng Mỹ cần thiết lập kho lưu trữ đất hiếm nhất định và khởi động lại các quy trình xử lý trong nước.

[Trung Quốc công bố một dự thảo luật nhằm tăng cường kiểm soát đất hiếm]

Trong những tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng với các công ty khai thác mỏ ở Mỹ và Australia để tăng công suất luyện đất hiếm và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Điển hình, công ty khai thác đất hiếm của Australia Ionic Rare Earths đã đạt được cam kết huy động thêm 12 triệu AUD (9,3 triệu USD) để đẩy nhanh tiến độ của dự án khai thác đất hiếm tại Makuutu, Uganda.

Trong một tuyên bố với Sở giao dịch chứng khoán Australia, Tổng Giám đốc Tim Harrison của công ty Ion Rare Earths đã khẳng định: “Chúng tôi tin rằng với việc thực hiện các hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc, dự án Makutu sẽ trở thành một vụ đầu tư chiến lược ngày càng quan trọng."

Trước đó, kế hoạch tài trợ của "Ion Rare Earth" đã thu hút đông đảo các nhà đầu tư cả trong và ngoài Australia đăng ký.

Trong khi đó, theo mạng Người quan sát của Trung Quốc ngày 18/2, chính sách xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đang trở thành tâm điểm của các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Các khách hàng quốc tế lo lắng sẽ không thể mua được đất hiếm từ Trung Quốc, từ đó bắt đầu cuộc chạy đua tích trữ, dẫn đến giá đất hiếm tăng vọt.

Tờ South China Morning Post đưa tin thêm rằng trong những tháng gần đây, cuộc đua tích trữ kim loại đất hiếm ngày càng gay gắt, đẩy giá hàng hóa tăng vọt.

Với những thay đổi trong quan hệ địa chính trị và lo ngại về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu và sản xuất đất hiếm, các quốc gia bao gồm Mỹ đã tăng trữ lượng đất hiếm và đang cố gắng tìm kiếm các nguồn cung cấp mới bên ngoài Trung Quốc.

Các nhà phân tích thị trường vốn của Bank of Montreal chỉ ra rằng “giá đất hiếm thường tăng đột biến khi mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác có sự thay đổi."

Trên thực tế, trong những năm gần đây, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc, các nước phương Tây đã và đang cố gắng đẩy nhanh quá trình nội địa hóa và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng liên quan.

Dữ liệu của S&P Global cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đã đàm phán với một số công ty vào giữa năm 2019 để cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp các loại khoáng sản chiến lược như kim loại đất hiếm.

Những trở ngại khi xây dựng một chuỗi cung ứng độc lập

Tháng 1/2021, công ty Lynas Corporation của Australia (nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc) đã ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Mỹ để xây dựng một nhà máy tách đất hiếm tại Mỹ.

Tuy nhiên, chi phí, kênh tiếp cận nguyên liệu thô và vấn đề môi trường có thể trở thành trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng chuỗi cung ứng độc lập.

Tháng 9/2020, ông Jennifer Bisceglie, Giám đốc điều hành của công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng Interos, chỉ ra rằng việc duy trì một chuỗi cung ứng độc lập là rất khó khăn và tốn kém.

Bà Hồ Ngạn, một nhà phân tích của Công ty Kim loại màu Thượng Hải (SMM), nói rằng các quốc gia sẽ mất thời gian để thiết lập công nghệ và thiết bị của riêng mình tại địa phương, đồng thời việc khai thác và thăm dò cũng đang đối mặt với các vấn đề môi trường.

Bà Hồ Ngạn chỉ ra rằng Mỹ rất giàu tài nguyên đất hiếm, nhưng chi phí lao động và chi phí sản xuất năng lượng tương đối cao, Mỹ nên cân nhắc giữa chi phí môi trường và lợi ích của ngành công nghiệp đất hiếm trên đất liền.

Ông Lewis Black, Giám đốc điều hành của Almonty Industries, một công ty sản xuất kim loại hiếm, nói rằng việc khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một động thái khôn ngoan và sự hỗ trợ thích hợp của chính phủ liên bang cũng có thể là một giải pháp tốt, nếu không các công ty sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Nhưng chuyển giao chuỗi cung ứng nói dễ hơn làm, đặc biệt là khi chi phí sản xuất ở các nước khác thấp hơn so với Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục