Chi phí lắp ráp và sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn khu vực 20%

Ngành công nghiệp ôtô Việt: Liệu có trụ vững trước "cơn bão" xe nhập?

Dự báo, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi thuế nhập khẩu về 0% từ đầu năm 2018.
Ngành công nghiệp ôtô Việt: Liệu có trụ vững trước "cơn bão" xe nhập? ảnh 1Lắp ráp ôtô tại nhà máy Toyota Phúc Yên. (Ảnh: TTXVN)

Lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ tiếp tục điều chỉnh sâu trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Chi phí sản xuất trong nước cao hơn 20%

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2017, lượng xe dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu của cả nước.

Dự báo, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi thuế nhập khẩu về 0% từ đầu năm 2018. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều nước trong khu vực có thể sản xuất được ôtô giá rẻ nhưng tại Việt Nam, với nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhưng sau nhiều năm ngành công nghiệp này vẫn giậm chân tại chỗ.

Đánh giá về ngành sản xuất ôtô trong nước, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam thừa nhận, chi phí sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này thì ngoài chênh lệch từ cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thì sự chênh lệch về tính thuế linh kiện nhập khẩu cũng là gánh nặng lớn đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nội.

Ông Dũng cũng tỏ ra lo ngại khi cho rằng, nếu Thái Lan chỉ cần nội địa hóa 40% thì khi xuất xe sang Việt Nam đã có giá bán khá rẻ và do vậy các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước sẽ khó khăn hơn.

Đến thời điểm này, Thái Lan là nước có ngành công nghiệp ôtô phát triển nhất khu vực ASEAN với các sản phẩm rất đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cạnh tranh và chi phí vận chuyển hợp lý.

Thực tế, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục giảm 5% cho các xe sử dụng dung tích xi lanh 1.5L và 2.0L thì trong thời gian tới, các xe ôtô từ Thái Lan sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam.

Thêm động lực mới liệu có hóa giải?

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng năng lực sản xuất, lắp ráp ôtô của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe/năm. Trong đó, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như: Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz cũng đã có mặt tại thị trường Việt Nam.

Ngành công nghiệp ôtô Việt: Liệu có trụ vững trước "cơn bão" xe nhập? ảnh 2Một trong những dòng xe ôtô được Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sản xuất và nội địa hóa. (Ảnh: Đoãn Đức/Vietnam+)

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện quy hoạch ngành ôtô, nhiều mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa vẫn không đạt được. Điều này đẩy giá thành sản xuất xe trong nước lên cao.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) thừa nhận, mục tiêu đề ra là nội địa hóa đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Hoài cho rằng, phần lớn phụ tùng và linh kiện đều phải nhập khẩu kéo theo chi phí sản xuất tăng lên. Ước tính năm 2014 số linh kiện nhập khẩu là 2,2 tỷ USD nhưng năm 2015 đã lên 3 tỷ USD và năm 2016 là 3,5 tỷ USD.

"Dù ngành công nghiệp hỗ trợ cho ôtô đã hình thành, nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp," ông Hoài nói.

Trước những thách thức đặt ra và để tạo động lực mới cho ngành ôtô, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cho biết, ​Bộ Công Thương đã đề xuất ba nhóm giải pháp với mục tiêu chính là duy trì sản xuất lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, theo ông Trương Thanh Hoài, đề xuất thứ nhất là tạo dựng dung lượng thị trường bằng việc khuyến khích sản xuất ô tô trong nước. Hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế, gian lận CO (tỷ lệ nội địa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.

Tiếp đến, nhà nước sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất ôtô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng…; Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng; Nghiên cứu khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao…

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất phụ tùng linh kiện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dù có thêm chính sách, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, chính sách phát triển công nghiệp ôtô sẽ được thực hiện theo tiêu chí không vì bất cứ một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp nào mà vì cả cộng đồng, vì nền kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng…

"Trước mắt, cần duy trì sản xuất lắp ráp trong nước đồng thời tập trung cho công nghiệp hỗ trợ. Những giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là xem xét tạo lập được dung lượng thị trường để đảm bảo phát triển. Từ đó kéo theo những ngành khác đồng thời đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và sản xuất trong nước," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục