Ngành da giày: Nguy cơ tái áp thuế chống phá giá

Để chống bị áp thuế bán phá giá vào thị trường EU, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần theo dõi sát mọi động thái chính sách của EU để chủ động đối phó kịp thời.

Cùng đó, để xuất khẩu bền vững vào thị trường này, doanh nghiệp phải nắm được những quy định, diễn biến thị trường, tránh tăng trưởng đột biến khiến cho EU, nhất là những nước có ngành da giày phát triển thấy bất ổn.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội thảo về Chương trình giám sát nhập khẩu của EU đối với các loại giày mũ da xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc.

Hội thảo nhằm trao đổi và cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến chương trình giám sát trên của EU và có các cảnh báo sớm về nguy cơ có thể bị áp dụng lại thuế chống bán phá giá.

Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Lefaso cho biết từ ngày 1/4, mặt hàng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU chính thức không còn chịu mức áp thuế chống bán phá giá 10% kéo dài trong bốn năm qua. Điều này đã đem lại cho ngành da giày vị thế cạnh tranh công bằng với các nước Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, vốn là những nước không bị áp thuế chống bán phá giá trước đây khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngành giày mũ da Việt Nam bởi EU đã đưa ra chương trình giám sát hoạt động xuất khẩu giày da của Việt Nam vào EU trong một năm.

Điều này có nghĩa trong trường hợp EU nhận thấy lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam gia tăng một cách đáng kể và giá xuất khẩu lại giảm trong một khoảng thời gian nhất định, cơ quan có thẩm quyền của EU có thể sẽ xem xét việc tái áp loại thuế này mà không cần điều tra khi có đủ bằng chứng cho thấy có hiện tượng “tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá” từ nhà xuất khẩu Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo thời gian qua, mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với giày mũ da Việt Nam là 10% còn mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc là 16,5%. Sau khi dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, chênh lệch thuế chống bán phá giá giữa Việt Nam và Trung Quốc khá cao.

Trong thời gian giám sát này, cùng với tìm kiếm hợp đồng có giá trị, các doanh nghiệp cũng nên theo dõi số lượng, giá trị xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU hàng tháng và đảm bảo giá trị xuất khẩu được nâng lên hợp lý. Vì vậy, thay vì ồ ạt tăng xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp nên tìm kiếm hợp đồng có giá trị và chất lượng.

Để chống bị áp thuế bán phá giá vào thị trường EU, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần theo dõi sát mọi động thái chính sách của EU để chủ động đối phó kịp thời. Cùng đó, để xuất khẩu bền vững vào thị trường này, doanh nghiệp phải nắm được những quy định, diễn biến thị trường, tránh tăng trưởng đột biến khiến cho EU, nhất là những nước có ngành da giày phát triển thấy bất ổn.

Mặt khác, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục