Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại

Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó với thiên tai, nhờ đó giúp EVN giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và khôi phục hệ thống điện trở lại nhanh nhất sau thiên tai.
Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại ảnh 1Công nhân điện lực nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5 để cấp điện cho người dân Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Ngành điện là ngành có kết cấu hạ tầng quan trọng nhưng dễ bị tác động bởi thiên tai tới hệ thống lưới điện và vận hành các hồ chứa thủy điện. Chính đặc thù đó, ngành điện luôn là ngành chịu sự tác động lớn mỗi khi thiên tai xảy ra.

Nhận diện thách thức đó, hàng năm, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều yêu cầu Tập đoàn và các đơn vị xây dựng kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó với thiên tai. Chính nhờ chủ động đó đã giúp EVN giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và khôi phục hệ thống điện trở lại nhanh nhất sau thiên tai.

Giảm thiểu thiệt hại

Xác định rõ việc chủ động phòng chống sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra nên ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Nhận diện rõ những thách thức thiên tai gây ra đối với nước ta, ngay từ đầu năm Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42/CT-TW ngày 24/3/2020, yêu cầu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hồ đập thủy điện.

Ngay sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 31/3/2020, EVN cũng đã ban hành Chỉ thị số 1995/CT-EVN về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020. Theo đó, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định công tác an toàn trong EVN.

Tập đoàn yêu cầu công ty thủy điện chú trọng kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ.

Từ đó, rà soát cập nhật quy chế phối hợp với địa phương, với các đơn vị liên quan; chủ động phổ biến phương án phòng chống thiên tai với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương, các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ, đơn hồ.

Các công ty thủy điện cần lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chuẩn bị kịch bản xả lũ theo thiết kế của hồ chứa để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du; chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.

Ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, Công ty quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La (công suất 2.400MW) và Lai Châu (công suất 1.200MW) đều là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì vậy, việc phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão (theo quy định từ ngày 15/6 hằng năm) đã được công ty chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại ảnh 2Công nhân Công ty Điện lực Quảng Nam tập trung khắc phục lưới điện sau bão số 9. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Theo đó, công ty đã kết thúc toàn bộ công tác sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục liên quan trực tiếp đến phòng chống bão lũ như các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng thiết yếu từ đầu tháng 6.

Công ty cũng đã tổng hợp kết quả quan trắc, tình trạng đập và hồ chứa để báo cáo các cơ quan chức năng. Đồng thời, hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa mưa bão và quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công ty đã thành lập Ban chỉ huy, thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai với số lượng thành viên là 359 thành viên; trong đó, ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên...

Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo hạ du đập thủy điện Sơn La, Lai Châu. Cụ thể, hệ thống cảnh báo hạ du đập Sơn La lắp đặt 16 biển cảnh báo, 14 hệ thống loa cảnh báo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã ven sông như Tạ Bú, Chiềng San, Mường Chùm, Chiềng Hoa của huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Hạ du đập thủy điện Lai Châu lắp đặt 5 biển cảnh báo, 5 hệ thống loa cảnh bảo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã Nậm Hàng, Lê Lợi, thị trấn Nậm Nhùn thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, phường Sông Đà thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Trong quá trình xả lũ, hệ thống sẽ tự động phát ra cảnh báo đến bà con nhân dân địa phương ven sông nắm bắt được thông tin mực nước, lưu lượng thay đổi.

Đặc biệt, Công ty Thủy điện Sơn La đã có quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu hàng năm. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả nguồn nước cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa các thủy điện trên bậc thang sông Đà, công ty cũng có quy chế phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trong công tác vận hành điều tiết chống lũ trên lưu vực sông Đà hàng năm.

Đối với các Tổng công ty Điện lực, các đơn vị cũng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông...), bảo đảm vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ.

Ngoài ra, tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng, chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống xử lý đối các trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị thành viên lập đội xung kích, sẵn sàng huy động tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai khi Ban Chỉ huy các cấp có yêu cầu, bao gồm danh sách các thành viên, phương tiện, dụng cụ.

Các Tổng công ty Điện lực đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 110 kV, 220 kV, xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm. Khi có bão đổ bộ, các tổng công ty điện lực cần tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực; tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220 kV, 500 kV, đặc biệt là đường dây 500 kV Bắc-Nam; chỉ đạo giải quyết các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về an toàn điện trong mùa mưa lũ cho nhân dân; rà soát vật tư dự phòng, lập phương án vận chuyển dự phòng; tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng, chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống đối với trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực.

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, phương án ứng phó với thiên tai đã được EVNNPT và các đơn vị triển khai ngay từ đầu năm. Hàng năm, các đơn vị lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bao gồm: xử lý các khiếm khuyết thiết bị trên đường dây, trạm biến áp; chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng; xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.

Chi viện cho vùng bị sự cố

Tính đến giữa tháng 11/2020, nước ta đã có 13 cơn bão; trong đó, dồn dập trong các tháng 9,10,11. Trong thời gian này, ghi nhận “kỷ lục” 9 cơn bão tác động đến khu vực miền Trung đã gây thiệt hại lớn tài sản của đất nước và nhân dân.

Trong bối cảnh hệ thống chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động “tổng lực” các lực lượng để nhanh chóng cấp điện trở lại cho nhân dân.

Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại ảnh 3Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ngãi khắc phục sự cố tại các trạm biến áp. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra đã gây thiệt hại tới hệ thống điện, đặc biệt là lưới điện của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của nhân dân khi bão lũ đi qua và tại vùng ngập lụt lâu ngày.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn cho biết, bão đã làm gẫy đổ khoảng 950 cột điện trung áp, 1.100 cột điện hạ áp, nghiêng 850 cột điện trung áp, 1.300 cột điện hạ áp khu vực lưới điện miền Trung.

Nguyên nhân chính gây gẫy đổ cột là do gió mạnh, gió giật (thường lớn hơn 2 cấp) gây ra gãy, đổ cây vào tuyến đường dây. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: nhiều loại dây không phải dây điện treo trên cùng một cột, kết hợp đi chung cột lưới điện trung hạ áp khi cây ngã, đổ vào; một số cột điện được bàn giao khi tiếp nhận lưới điện nông thôn nhưng chưa có điều kiện thay thế.

Các đơn vị không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng nhẹ đã nhanh chóng, kịp thời, liên tục phối hợp, hỗ trợ con người, phương tiện cho các đơn vị bị thiệt hại nặng. Điều này góp phần khôi phục nhanh lưới điện nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình khôi phục nhằm sớm ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động sản xuất.

Năm 2020, công tác huy động lực lượng từ các đơn vị thể hiện rõ nét từ cơn bão số 5 (15-18/9) đến nay. Cụ thể cơn bão số 5 đã huy động nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Công ty Dịch vụ Điện lực (DVĐL) miền Trung hỗ trợ cho PC Thừa Thiên Huế trên 110 người và 20 phương tiện các loại.

Ứng phó bão số 9, tập đoàn đã huy động nguồn nhân lực của Công ty Điện lực Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung hỗ trợ cho Công ty Điện lực Quảng Nam hơn 200 người và nhiều phương tiện các loại; Công ty Điện lực Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Đắk Nông, Kon Tum, Đà Nẵng, Công ty DVĐL miền Trung, Công ty Truyền tải Điện 3 đã hỗ trợ PC Quảng Ngãi hơn 300 người và nhiều phương tiện các loại.

Các đơn vị Điện lực cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn góp phần nhanh chóng khôi phục cấp điện trở lại cho các khách hàng.

Ông Hồ Công, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 cho hay, ngay sau bão số 9, mặc dù đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung củng cố lưới điện nhưng công ty đã huy động 34 cán bộ, công nhân tham gia hỗ trợ Công ty Điện lực Quãng Ngãi nhanh chóng khắc phục lưới điện 110kV sau bão số 9.

Với việc huy động tối đa lực lượng trong khắc phục sự cố do thiên tai nên chỉ trong thời gian ngắn khi bão đi qua, ngành điện đã cơ bản khôi phục cấp điện trở lại cho nhân dân, trừ những vùng bị ngập lụt chưa đảm bảo an toàn nên ngành không đóng điện.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, ứng phó và phòng chống thiên tai của EVN được Ban Chỉ đạo đánh giá triển khai đồng bộ, ở nhiều phương diện, được Ban Chỉ đạo đánh giá cao.

Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại ảnh 4Ngành điện lực khẩn trương khắc phục mạng lưới điện bị hư hỏng tại Kon Tum. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Đối với các hồ chứa thủy điện của EVN được kiểm tra đánh giá kỹ càng trước mùa mưa bão, quản lý vận hành đúng theo quy định; việc theo dõi giám sát, quan trắc đập, quan trắc mưa được thực hiện bài bản, sự phối hợp với Ban Chỉ đạo, chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ thực hiện nhuần nhuyễn.

Đối với hệ thống quản lý vận hành lưới điện, khi bão lũ xảy ra, EVN huy động các lực lượng trực ban nghiêm túc; chủ động cắt điện đối với khu vực nguy hiểm và khẩn trương phục hồi những tuyến đường dây bị sự cố sau bão, lũ. Cùng đó, huy động lực lượng từ các đơn vị truyền tải đến hỗ trợ các đơn vị phân phối điện và ngoài nhà thầu để nhanh chóng cấp điện trở lại.

“Việc cấp điện nhanh chóng trở lại có ý nghĩa rất quan trọng trong khắc phục hậu quả do thiên tai, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân sau bão,” ông Trần Quang Hoài đánh giá.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, trước các sự kiện thiên tai, các đơn vị thuộc Tập đoàn kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, ...); tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ; tăng cường trực Lãnh đạo, trực xung kích. Các đội xung kích chuẩn bị sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện, ngành điện nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Cùng đó, tập trung nguồn lực cả trong và ngoài đơn vị để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.

Hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt

Mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn trong tái thiết lại hệ thống điện do ảnh hưởng bởi mưa bão nhưng phát huy tinh thần “tương thân tương ái” nhằm xoa dịu mất mát sau bão lũ đối với đồng bào miền Trung, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhanh chóng và kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/ĐU (ngày 18/10/2020) kêu gọi toàn Tập đoàn chung tay cùng đồng bào cả nước khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc nhân dân trong và ngoài nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn khó khăn và đồng bào vùng lũ; Công điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/ĐU ngày 18/10/2020 về việc chung tay cùng đồng bảo cả nước khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Ngành điện Việt Nam chủ động ứng phó với thiên tai, giảm thiệt hại ảnh 5(Nguồn: TTXVN)

Sau khi EVN tổ chức phát động và thực hiện ủng hộ đồng bào miền Trung, toàn thể người lao động đã đồng loạt hưởng ứng và chỉ trong 9 ngày phát động, tổng số tiền Tập đoàn quyên góp ủng hộ được là hơn 26 tỷ đồng.

Số tiền trên được EVN và các đơn vị trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương và các tỉnh để gửi tới các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ.

Các hoạt động quyên góp ủng hộ vẫn tiếp tục được các đơn vị trong Tập đoàn triển khai thực hiện với nhiều hình thức thiết thực trong thời gian tiếp theo, đến nay tổng số tiền ủng hộ là 33,686 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục