Lao đao vì bất ổn

Ngành du lịch của Ai Cập lao đao vì bất ổn chính trị

Bất ổn chính trị đã giáng một đòn mạnh xuống nền kinh tế Ai Cập, đặc biệt là ngành du lịch vốn chỉ mới gượng dậy sau cú sốc năm 2011.
Bất ổn chính trị đã giáng một đòn mạnh xuống nền kinh tế đang kiệt quệ của Ai Cập, đặc biệt là ngành du lịch vốn chỉ mới gượng dậy sau cú sốc năm 2011. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người lao động.

Với nhiều di tích nổi tiếng như các Kim Tự Tháp - một trong bảy kỳ quan cổ đại của thế giới còn tồn tại hiện nay, cũng như các khu đền đài, lăng mộ có tuổi đời hàng nghìn năm tại Luxor, Aswan và một nền văn hóa truyền thống đặc sắc của người Arập, Ai Cập thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm.

Cùng với kênh đào Suez - tuyến đường thủy chiến lược nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, ngành "công nghiệp không khói" này được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của Ai Cập và tạo việc làm cho khoảng 1/8 dân số.

Đỉnh điểm là vào năm 2010, quốc gia Bắc Phi này đón 14,7 triệu lượt du khách nước ngoài với nguồn thu lên tới 13 tỷ USD, đóng góp tới hơn 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 20% nguồn thu ngoại tệ.

Tuy nhiên, sự kiện "Mùa Xuân Arập" tràn qua quốc gia này cùng với bất ổn chính trị trong thời gian sau đó đã khiến lượng du khách sụt giảm gần 1/3 chỉ còn 9,8 triệu người, trước khi phục hồi lại ở mức 11,5 triệu vào năm 2012.

Trong bối cảnh ngành du lịch của Ai Cập đang có dấu hiệu phục hồi khả quan với mức tăng 12% trong năm tháng đầu năm nay, bất ổn chính trị tiếp tục bùng phát và lan rộng với làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ, dẫn tới việc quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi hôm 3/7 vừa qua.

Sau chiến dịch đàn áp đẫm máu đối với hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi tại thủ đô Cairo và tỉnh Giza kế bên, Ai Cập ngấp nghé bờ vực nội chiến với các cuộc đụng độ bạo lực, tấn công, đốt phá trụ sở các cơ quan công quyền, đồn cảnh sát và nhà thờ của người Cơ Đốc giáo.

Bất ổn an ninh khiến ngành du lịch Ai Cập lao dốc không phanh khi hàng loạt quốc gia cảnh báo công dân không đặt chân tới nước này. Song song với đó, nhiều công ty du lịch và hãng hàng không quốc tế đua nhau hủy tour và hủy chuyến.

Vào thời điểm này, du khách hầu như biến mất tại các điểm du lịch được ưa thích ở Cairo như khu chợ cổ Khan el-Khalili, Bảo tàng Ai Cập, các nhà thờ Hồi giáo, di tích thành cổ và dịch vụ du thuyền sông Nile.

Khu vực các Kim Tự Tháp ở tỉnh Giza chỉ còn hai sạp hàng bán đồ lưu niệm vẫn cố bám trụ, trong khi đội quân bán hàng rong đông đảo một thời nay cũng tản mát gần hết.

Trong khi đó, tuy bạo lực vẫn chưa lan đến các thành phố nghỉ dưỡng biển nổi tiếng của Ai Cập như Sharm el-Sheik  và Hurghada nằm bên bờ Biển Đỏ, cách Cairo khoảng 500km, các nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại đây vắng lặng dù đang trong giai đoạn cao điểm du lịch.

Trước đó, hàng trăm nghìn du khách - chủ yếu đến từ các nước châu Âu và Nga - đã ồ ạt rời các khu nghỉ dưỡng ở Biển Đỏ. Lượng hành khách trên các chuyến bay đến quốc gia Bắc Phi này tiếp tục giảm thêm 50% vào trung tuần tháng Tám, trong đó một số chuyến bay gần như trống rỗng.

Theo người đứng đầu Liên đoàn Các phòng du lịch Ai Cập Elhamy El-Zayat, chỉ tính từ cuộc chính biến hôm 3/7 tới trung tuần tháng Tám, thiệt hại của ngành du lịch nước này lên tới 5 tỷ bảng Ai Cập (khoảng 720 triệu USD), do số lượng đặt phòng khách sạn và mua tour giảm.

Số lượng khách du lịch trong tháng Bảy sụt giảm tới 37% so với cùng kỳ trước đó. Tỷ lệ đặt phòng của nhiều khách sạn tại Luxor và Aswan chỉ đạt 15%. Trong khi đó, theo các nhà phân tích của hãng dịch vụ tài chính JP Morgan, tình trạng bất ổn chính trị hiện nay khiến ngành du lịch Ai Cập thiệt hại tới 400 triệu USD/tháng.

Trước thực trạng đó, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm sớm khôi phục hoạt động du lịch. Mới đây, Ngoại trưởng Nabil Fahmy đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đại sứ thuyết phục chính phủ các nước dỡ bỏ hoặc giảm bớt hạn chế đi lại tới Ai Cập, đặc biệt là các khu vực an toàn như Sharm el Sheikh và Hurghada.

Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Ai Cập (EgyptAir) thông báo giảm đồng hạng 20% giá vé cho các chuyến bay quốc tế và nội địa trong khoảng thời gian từ ngày 1-14/12/2013 và 1/2/2014-20/3/2014. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch kích cầu du lịch mang tên "Ai Cập trong tim bạn" được EgyptAir và Bộ Du lịch phối hợp tổ chức.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch Ai Cập sẽ khó phục hồi trong năm nay và mục tiêu đón 13 triệu lượt du khách có vẻ như rất khó thực hiện được trong bối cảnh tình hình an ninh vẫn tiếp tục bất ổn như hiện nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục