Ngành du lịch lao đao vì khủng hoảng và cúm H1N1

Năm 2009, ngành du lịch thế giới vốn đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lại càng khó khăn hơn trước đại dịch cúm A/H1N1.
Năm 2009, ngành du lịch thế giới, vốn đang lao đao do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lại càng khó khăn hơn trước đại dịch cúm A/H1N1 đang lây lan rộng trên thế giới.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) công bố ngày 10/11, khủng hoảng kinh tế và dịch cúm A/H1N1 sẽ làm giảm 5,5% hoạt động du lịch trên toàn cầu trong năm 2009.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại London, Chủ tịch WTTC, ông Jean-Claude Baumgarten cho biết ngoài hai nguyên nhân trên, việc giảm sút các hoạt động đi lại và nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của các gia đình cũng như nhiều dự án đầu tư bị hoãn lại cũng là những nguyên nhân khiến ngành du lịch gặp khó khăn trong năm 2009.

WTTC dự báo kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 1,3% trong năm nay, điều này có nghĩa là đóng góp của ngành du lịch cho GDP toàn cầu cũng giảm tối thiểu 9,3% trong năm nay.

Trong khi đó, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (WTO) ngày 10/11 công bố báo cáo cho biết ngành du lịch thế giới sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2010, một phần do giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã đi qua.

Liên quan đến dịch cúm A/H1N1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/11 cho biết Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline đã tài trợ 50 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 cho WHO để phân phối tới các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành mạnh trên thế giới.

GlaxoSmithKline sẽ chuyển số vắcxin trên cho WHO vào cuối tháng 11 này theo đúng thỏa thuận đã ký kết, sau đó số vắcxin này sẽ được phân phối đến 95 nước đang phát triển, nhằm đáp ứng mục tiêu khoảng 10% dân số các nước này được tiếp cận với vắcxin phòng cúm A/H1N1.

Tổng Giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho rằng đây là một cử chỉ thể hiện sự đoàn kết toàn cầu đối với những nước nghèo. Bà Chan cũng khẳng định WHO sẽ nỗ lực hết sức để nguồn vắcxin trên sẽ tới được tận tay những người nghèo nhất trên thế giới.

Số liệu thống kê mới nhất của WHO tính đến ngày 1/11 cho thấy kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát tại Mexico cuối tháng 4 vừa qua, thế giới đã ghi nhận hơn 6.000 ca tử vong trong tổng số gần 500.000 trường hợp nhiễm chủng virus nguy hiểm này tại 199 nước và vùng lãnh thổ.

WHO cảnh báo thế giới vẫn chưa chạm đỉnh của dịch cúm theo mùa, từ tháng 1 đến tháng 2, khi đó số ca nhiễm cúm sẽ còn tăng cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục